"Ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP"

Theo bà Nguyễn Thu Hương, cần tăng chi từ NSNN cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động tự do có đủ các quyền lợi như bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Năm 2021 đánh dấu nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được Nhà nước ban hành để từng bước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới người dân và doanh nghiệp, đòi hỏi Chính phủ cần phải thực hiện nhiều hơn các chính sách hỗ trợ trong năm 2022, bên cạnh việc rà soát và điều chỉnh các chính sách đã ban hành và thực hiện trong năm 2021. 

Tọa đàm "Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 - Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội" do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 5/11 với mong muốn đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề này. Các chuyên gia cùng thảo luận về giải pháp huy động và sử dụng Ngân sách Nhà nước để đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội năm 2022 cũng như các vấn đề đặt ra với các chính sách an sinh, xã hội trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. 

"Mức hỗ trợ không đáp ứng mức sống cơ bản" 

Bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt, Oxfam Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam đang hướng tới mục tiêu An sinh xã hội toàn dân và để đạt được, nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội".

Theo bà, ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP và tăng chi từ ngân sách nhà nước cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động tự do có đủ các quyền lợi tương tự bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

ThS Nguyễn Minh Thu cũng kiến nghị, trong tương lai, Nhà nước cần có thêm Quỹ An sinh xã hội để đảm bảo các Mục tiêu an sinh xã hội bền vững. "Chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng quỹ dự phòng", bà Thu cho hay.

Nhìn lại các gói hỗ trợ trong năm 2021, ThS. Nguyễn Minh Thu, Viện Lao động và Xã hội đánh giá tổng các gói được ban hành trong năm 2021 chỉ chiếm chưa đến 1% GDP nước ta và đặt trọng tâm quá nhiều vào chính sách tạm dừng, giảm đóng các chế độ bảo hiểm xã hội. 

Theo bà, mức hỗ trợ thấp không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ mức độ tác động của đại dịch Covid -19 đến đời sống người lao động.

"Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước", ThS Nguyễn Minh Thu cho hay. 

Chính sách - 'Ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP'

Tình hình giải ngân tính đến ngày 1/11/2021 (% ngân sách thiết kế). (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Bà Nguyễn Minh Thu cũng đánh giá quy định "một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ" khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tác động của dịch Covid 19 đến đời sống người dân, người lao động.

Cũng theo bà, việc phân cấp, phân quyền xuống địa phương để tạo sự linh hoạt nhưng độ bao phủ chính sách chưa xác định có khả năng tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách đối với lao động tự do. "Cơ chế phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa phương sẽ tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo", bà nói. 

Bà Thu cho biết: "Hầu hết các tỉnh không tự chủ ngân sách gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hiện có (quỹ dự phòng) để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt do cùng lúc phải chi các khoản kinh phí để phòng chống dịch". 

Chính sách - 'Ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP' (Hình 2).

Tình hình phân bổ ngân sách ở các tỉnh.

Theo đó, một số tỉnh đứng đầu về chi hỗ trợ tiền mặt đều là những tỉnh tự chủ về ngân sách, nằm ở khu vực Đông Nam Bộ (Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu); Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); Miền núi phía Bắc (Bắc Giang); Tây Nguyên (Lâm Đồng); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (Khánh Hòa); Đồng bằng sông Cửu Long (Long An).

Dự toán NSNN năm 2022

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 tới đây hướng đến 4 mục tiêu tổng quát. Đầu tiên là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục giữ vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách triệt để, tiết kiệm chi NSNN.

Cuối cùng, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, đảm bảo vai trò của NSTW, phát huy sự chủ động của các Bộ, ngành địa phương. 

Theo ông Nguyễn Minh Tân, căn cứ xây dựng dự toán NSNN năm 2022, dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%; giá dầu thô 60 USD/thùng. 

Đặc biệt, theo ông Tân, đặc biệt dự toán NSNN năm 2022 sẽ bao phủ vắc-xin 75% dân số từ 18 tuổi trở lên sẽ hoàn thành đầu năm 2022 và mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng khác, đặc biệt là trẻ em. 

Chính sách - 'Ngân sách cho an sinh xã hội có thể chiếm từ 6-10% GDP' (Hình 3).

Dự kiến Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022. 

"Dự kiến thu NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021; chi NSNN là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2021", ông Tân cho hay. 

Đẩy mạnh chi cho an sinh xã hội

TS Nguyễn Đức Thành - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định: “Bản dự thảo NSNN 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn, tiêu biểu là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng dịch nặng nề khiến mất việc, ngừng việc, trở về quê”.

Ông Nguyễn Minh Tân kiến nghị 5 giải pháp góp phần thực hiện dự toán NSNN năm 2022.

Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu và hoàn thiện chính sách về NSNN.

Tiếp theo, cần nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ NSNN.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy quản lý.

Thứ 4, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ 5, cần phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính, quản lý giá theo nguyên tắc thị trường. 

"Cuối cùng, cần chú trọng cải cách hành chính, xây môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Minh Tân nói. 

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ngan-sach-cho-an-sinh-xa-hoi-co-the-chiem-tu-6-10-gdp-a3693.html