Hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên
Ngày 8/8, tại Tp.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Chương trình diễn ra trực tiếp tại Tp.Nha Trang và trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 2/6, Bộ Công an tổ chức giao ban trực tuyến kiểm điểm tiến độ cấp căn cước công dân (CCCD) và đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiến độ cấp CCCD, thu nhận hồ sơ đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID thấp nhất cả nước, có nguy cơ sẽ không hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia.
Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn tỉnh, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được các địa phương hoàn thành. Cụ thể: Ngày 21/6, tỉnh này đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn, về đích trước thời hạn 9 ngày. Đến ngày 31/7, đã thu nhận và cài đặt VNeID cho 826.025 trường hợp, vượt 9% so với mục tiêu; đã kích hoạt thành công tài khoản VNeID mức độ 2 cho hơn 634.327 trường hợp, đạt tỉ lệ 83,8%.
Ngày 4/7 vừa qua, Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ và Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Khánh Hòa đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 6559 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Kế hoạch phối hợp đã xác định rõ 31 mô hình triển khai, tiến độ thực hiện cùng với việc phân công, giao nhiệm vụ theo từng nhóm công việc: Chủ trì, phối hợp, lực lượng triển khai cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thực hiện triển khai 31 mô hình
Tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện 31 mô hình triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06. Trong đó, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến có 3 mô hình; nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội có 12 mô hình; nhóm tiện ích phục vụ công dân số có 9 mô hình; nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính có 2 mô hình; nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp có 5 mô hình.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, với 31 mô hình, từ đây đến năm 2025, có rất nhiều công việc phải thực hiện. Trong đó, một số việc đã được các cơ quan xác định rõ và lồng ghép triển khai trong các dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số; một số việc còn mới, các cơ quan chưa định hình và xác định rõ nội dung thực hiện.
Để kế hoạch phối hợp sớm được triển khai thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, ông Tuân đề nghị Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp để giúp tỉnh, giúp các cơ quan, địa phương trong việc triển khai 31 mô hình tại Khánh Hòa.
Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng triển khai và đặc biệt là cơ quan được giao chủ trì triển khai các mô hình, ông Tuân đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai các mô hình được giao chủ trì; chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả và tiến độ triển khai mô hình được giao.
Đồng thời, mỗi hạng mục công việc trong kế hoạch triển khai chi tiết các mô hình phải nêu rõ nội dung công việc, khối lượng công việc, kết quả mong muốn và tiến độ thực hiện và phải gắn với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Các cơ quan chủ trì phải sớm rà soát toàn bộ hiện trạng và các điều kiện để triển khai mô hình.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải thực hiện sớm, gắn với việc tuyên truyền sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên VNeID, trên App công dân số Khánh Hòa để kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp từ ban đầu; tham gia các trải nghiệm, đánh giá trong quá trình triển khai các mô hình…
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cơ quan đầu mối (Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh) và các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt vai trò đầu mối đối với ngành, lĩnh vực, nghiệp vụ chuyên môn phụ trách; thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai các mô hình, triển khai kế hoạch phối hợp… Ngoài ra, lưu ý việc triển khai các mô hình, kế hoạch phối hợp phải gắn liền với hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, sản phẩm, dịch vụ tạo ra phải đáp ứng sự kế thừa, tích hợp và chia sẻ dùng chung; đảm bảo các mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, từ việc có bộ dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính mang lại lợi ích cho người dân, về phía cơ quan nhà nước thì không phải lưu trữ quá nhiều giấy tờ. Bên cạnh đó, giúp hoạch định nhiều chính sách cho Chính phủ các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội...
Theo ông Tấn, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc xây dựng dữ liệu đã thành công thì có thể tổ chức ngay cho cán bộ, công chức, viên chức học, tập huấn để áp dụng trong dịch vụ công, tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Các địa phương cấp xã, huyện phải sáng tạo, chủ động trong việc sử dụng nguồn tài nguyên của dữ liệu…
Châu Tường
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/khanh-hoa-se-thuc-hien-31-mo-hinh-de-trien-khai-cac-nhiem-vu-tai-de-an-06-a36740.html