Lo bất công, gần 2.500 giáo viên gửi tâm thư đến chủ tịch TP Trần Sỹ Thanh

Nhiều giáo viên cho rằng thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên; nếu tổ chức thi tuyển sẽ có nhiều bất công

Gần 2.500 giáo viên các cấp ở Hà Nội vừa gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Nội vụ về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Lo bất công, gần 2.500 giáo viên gửi tâm thư đến chủ tịch TP Trần Sỹ Thanh - Ảnh 1.

Hàng chục giáo viên ở các trường tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Sóc Sơn trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những bức xúc và thiệt thòi mà họ phải gánh chịu. Ảnh chụp năm 2019.

Trong thư, các giáo viên mong muốn TP Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển. Theo các giáo viên, thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi, gây ra nhiều bất công.

Ông Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, cho biết ông và các bạn cùng học một trường đại học, sau tốt nghiệp, mỗi người về một địa phương khác nhau. "Cùng một xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cống hiến như nhau nhưng bạn tôi ở tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, được tăng lương, trong khi tôi ở Thủ đô phải thi và có thể trượt vì ngoại ngữ thế hệ 7X chúng tôi không thể học giỏi và so sánh được với thế hệ trẻ hơn" - ông Đường bày tỏ.

Cùng với ông Đường, trong số gần 2.500 giáo viên ký vào đơn thư gửi lãnh đạo TP Hà Nội, gần 50% là các giáo viên thuộc thế hệ 6X, 7X. Các giáo viên cho rằng nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những giáo viên đã lớn tuổi.

Các giáo viên cũng phản ánh nhiều tỉnh, thành khác như: Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Bình Dương, Gia Lai… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển.

Theo quy định hiện hành, có 2 hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức là thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.

Trước đó, tháng 5-2023, Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.

Theo Bộ Nội vụ, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lo-bat-cong-gan-2500-giao-vien-gui-tam-thu-den-chu-tich-tp-tran-sy-thanh-a36632.html