Chiều 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng quan tâm đến vấn đề tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, công nhân cũng lo lắng trước tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã tăng.
Đặc biệt, người lao động lo lắng khi gần đây giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tổi thiểu của người lao động; lương của phần lớn công chức, viên chức còn cách xa so với nhu cầu cuộc sống cơ bản.
Trả lời vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) - cho biết, trong thời gian 3 năm dịch COVID-19, khu vực công chức, viên chức không tăng lương, nhưng có 3 đối tượng vẫn được điều chỉnh tăng lương là công nhân khu vực doanh nghiệp (thông qua điều chỉnh lương tối thiểu vùng) và đối tượng người có công, bảo trợ xã hội. Từ 1/7 năm nay, các đối tượng liên quan cũng đã được điều chỉnh tăng lương cơ sở.
Đối với lương tối thiểu vùng, ông Dung cho biết, dự kiến ngày 8/8 tới, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp để nghe ý kiến của các bên, từ đó tính toán xem năm 2023 có thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng không và điều chỉnh ở mức độ nào.
“Tinh thần là sẽ có sự hài hòa nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo thu nhập, quyền lợi của người lao động”, ông Dung nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm, mức lương tối thiểu trong lao động sản xuất và cải cách tiền lương sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này.
Trong đó nghị quyết gần nhất là tại kỳ họp thứ 5 vừa qua đã giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương cả ở khu vực công và tư. Tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét lộ trình, cân đối các nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hằng năm đều xem xét vấn đề cải cách tiền lương. Khi chưa cải cách căn bản được tiền lương thì sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc đảm bảo mức sống cơ bản, năng suất lao động, chỉ số lạm phát…
“Giảm giờ làm rất cần thiết cho người lao động”
Đề cập đến giờ làm, ông Lại Hoàng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung Electronic, tỉnh Bắc Ninh nêu, khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.
“Là chủ tịch công đoàn cơ sở, tôi rất hiểu anh chị em công nhân sẽ luôn cố gắng lao động, sản xuất khi đất nước, doanh nghiệp cần (như khi cả nước ta phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19 vừa qua). Nhưng hầu hết anh chị em công nhân đều mong muốn được giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, nhất là con nhỏ và tái sản xuất sức lao động. Đây cũng là quy định để đảm bảo công bằng giữa lao động làm việc trong khu vực Nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần), trong khi hầu hết các nước đã duy trì chế độ làm việc 35 giờ - 40 giờ/tuần”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc giảm giờ làm là rất cần thiết cho người lao động. "Các đồng chí lãnh đạo cũng hết sức yên tâm, khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng nhằm nâng cao thu nhập và giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng", ông Dũng nói.
Ông Dũng nêu vấn đề hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ và người lao động cũng rất chia sẻ, như sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. “Kính mong Quốc hội quan tâm giám sát, thúc đẩy để vấn đề này sớm trở thành hiện thực”, ông Dũng bày tỏ.
Trước mong muốn của công nhân, người lao động về giảm giờ làm để có thêm thời gian chăm sóc gia đình, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - chia sẻ, quy định khuyến khích chủ sử dụng lao động giảm giờ làm 40 giờ/tuần với người lao động là quy định không mới.
Bộ Luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng. Đây là trăn trở của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan quản lý lao động cũng như Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh tổ chức công đoàn thông qua thỏa ước lao động tập thể, khuyến khích người sử dụng lao động giảm thời gian lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Tổ chức công đoàn cũng đã tổ chức hội nghị biểu dương các Công đoàn cơ sở tiêu biểu có Thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Trên cơ sở đó, tổ chức công đoàn cần tiếp tục nhân rộng mô hình, cách làm hay.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện giảm giờ làm cho người lao động, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc này cần nhiều yếu tố, năng suất lao động. Dự kiến diễn đàn về kinh tế xã hội của Quốc hội được tổ chức vào tháng 9 năm tới sẽ đề cập đến nội dung này.
Trong khuôn khổ Diễn đàn người lao động 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát động “Giải Vô địch Bóng đá công nhân toàn quốc” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp tổ chức.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023. |
Giải Vô địch Bóng đá công nhân toàn quốc được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần, động viên công nhân, viên chức, lao động tham gia rèn luyện thân thể, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại lễ phát động, Chủ tịch Quốc hội đã ký vào lá cờ và quả bóng thi đấu của giải.