Bác chứng cứ ngoại phạm, tòa tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù

Tại tòa, bị cáo Trần Hùng đưa ra 2 bức ảnh ông này đang ở nhà riêng tại thời điểm kẻ môi giới khai là gặp ông Hùng tại nơi làm việc. Tuy nhiên, HĐXX sau khi nghiên cứu hồ sơ và xem xét lời khai của người liên quan tại tòa, nhận thấy những chứng cứ nêu trên không đủ căn cứ thể hiện ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm...HĐXX tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù.

Tuyên 'người hùng' chống buôn lậu 9 năm tù

Sáng 27/7, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Trần Hùng (cựu Cục phó Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) mức án 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Cùng với mức án tù, ông Hùng còn bị phạt bổ sung 80 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị phạt 27 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ".

Đối với nhóm cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 Hà Nội, tòa tuyên: Bị cáo Lê Việt Phương 30 tháng tù; Phạm Ngọc Hải 20 tháng tù cho hưởng án treo; Thành Thị Đông Phương 18 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) lĩnh 10 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và nộp phạt 50 triệu đồng.

Các bị cáo còn lại bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên các mức án từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù.

Bác chứng cứ ngoại phạm, tòa tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù - Ảnh 1.

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Hồ sơ vụ án xác định, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cao Thị Minh Thuận biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ. Ông Hùng "đồng ý tha" nhưng yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.

Do lo sợ sẽ bị xử lý, bà Thuận kết nối với bị cáo Nguyễn Duy Hải để được gặp trực tiếp ông Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng. Sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng đã "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.

Hồ sơ truy tố thể hiện, ngày 14/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc đưa cho ông Hùng. Sau khi nhận tiền, ông Hùng gọi điện thoại chỉ đạo bị cáo Lê Việt Phương, Đội phó QLTT số 17, "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng còn cáo buộc bà Thuận nhiều lần đưa cho ông Lê Việt Phương và Đội QLTT số 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi sự việc ở Phú Hưng Phát chỉ bị xử phạt hành chính.

Ông Trần Hùng giao nộp 2 bức ảnh chứng minh bản thân ngoại phạm

HĐXX đánh giá, trong vụ án, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm đã có hành vi in, sản xuất, hơn 9,4 triệu cuốn sách giả có tổng trị giá hơn 260 tỷ đồng. Sau đó, nhóm này tổ chức tiêu thụ trót lọt trên 6,3 triệu sách giả, thu lợi hơn 30 tỷ đồng. Thuận là người chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với ông Trần Hùng, HĐXX cho rằng quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo kêu oan, khẳng định mình không nhận hối lộ 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải.

Tuy nhiên, HĐXX thấy ông Hùng là tổ trưởng có nhiệm vụ tham mưu, thu thập thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bác chứng cứ ngoại phạm, tòa tuyên phạt ông Trần Hùng 9 năm tù - Ảnh 2.

Bị cáo Trần Hùng.

Sau khi bị thu giữ hơn 27.300 sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, Cao Thị Minh Thuận gọi điện thoại cho ông Hùng, rồi thông qua Nguyễn Duy Hải xin gặp Hùng. Tại một quán cà phê ở Hà Nội, Hải đã đặt vấn đề đưa tiền cho ông Hùng nhằm bỏ qua vi phạm cho Phú Hưng Phát.

Quá trình tiếp xúc, Trần Hùng nói với Hải về nhắn bà Thuận thay đổi lời khai đối với nguồn gốc số sách đã bị phát hiện, chuyển thành sách do người khác ký gửi. Ngày 30/7/2020, ông Hùng đề nghị Lê Việt Phương tư vấn cho Thuận thay đổi lời khai. Thực tế, sau đó, Đội QLTT số 17 đã không xử lý hình sự đối với hành vi của Thuận.

Từ những căn cứ nêu trên, tòa sơ thẩm xác định bị cáo Trần Hùng tiếp nhận yêu cầu của Cao Thị Minh Thuận sau khi gặp Nguyễn Duy Hải. Sau đó, ông Hùng nhận tiền rồi làm thay đổi bản chất vụ việc vi phạm liên quan số sách của Công ty Phú Hưng Phát.

Xét lời khai của bị cáo Hải, HĐXX thấy phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra và lời khai của những bị cáo, cá nhân khác có liên quan.

Đáng chú ý, tại tòa, ông Hùng đưa ra chứng cứ cho rằng mình ngoại phạm, trong đó có 2 bức ảnh bị cáo đang ở nhà riêng tại thời điểm Hải khai là gặp Hùng tại nơi làm việc. Tuy nhiên, HĐXX sau khi nghiên cứu hồ sơ và xem xét lời khai của người liên quan tại tòa, nhận thấy những chứng cứ nêu trên không đủ căn cứ thể hiện ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm.

Do đó, HĐXX kết luận ông Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận khai không đúng bản chất sự việc để Thuận không bị xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật. Sau đó, Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng từ Thuận thông qua người môi giới.

HĐXX đánh giá hành vi của Trần Hùng gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng quản lý thị trường, gây mất lòng tin của nhân dân đối với cán bộ đang thực thi công vụ.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/bac-chung-cu-ngoai-pham-toa-tuyen-phat-ong-tran-hung-9-nam-tu-a36378.html