Nếu có ai đã từng đến Quảng Trị và có dịp đi ngang qua cầu Thạch Hãn chắc hẳn trông thấy một tượng đài đứng sừng sững bên bờ Bắc sông với tên gọi đài tưởng niệm Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca. Tượng đài mô phỏng 20 giọt máu, hình 20 trái tim màu sáng hồng lấp lánh, soi xuống dòng sông về câu chuyện bi hùng bất tử 51 năm trước trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Mùa hè Đỏ lửa 1972 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Huyền thoại về "Trung đội 1 thắng 100”
Năm 1972, Quảng Trị được cả thế giới biết đến như một vùng đất chết bởi thảm họa của chiến tranh. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ thậm chí đã gọi Quảng Trị là vùng đất "No mans land"- vùng đất không người - để nói lên sự ác liệt khủng khiếp của cuộc giao tranh tại nơi đây.
Trong 81 ngày đêm chiến đấu để bảo vệ thành cổ Quảng Trị, người dân và các chiến sỹ giải phóng án ngữ trong khoảnh đất rộng chừng 3 cây số vuông ấy đã phải gánh chịu 328.000 tấn đạn bom của Mỹ - ngụy (sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống Hirosima ở Nhật Bản).
Trong cuộc chiến đấu vĩ đại suốt mùa hè năm ấy, các chiến sĩ giải phóng đã làm nên quá nhiều huyền thoại về lòng dũng cảm, về sự chiến đấu ngoan cường quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong số đó có huyền thoại về Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng với trận đánh lừng danh ở phía bắc bờ sông Thạch Hãn.
Trung đội quân giải phóng anh hùng này mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm có 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Hầu hết các anh tuổi đời còn rất trẻ.
Sau một thời gian ngắn đóng quân, tổ chức huấn luyện ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Trung đội nhận lệnh vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - một trong những “tọa độ lửa” khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Nhiệm vụ đầu tiên của Trung đội tại Quảng Trị là vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược “lót ổ” cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 đánh vào các căn cứ vùng giáp ranh tại Đầu Mầu, núi Kiến (Quảng Trị).
Đến đêm 9/4/1972, Trung đội Mai Quốc Ca nhận nhiệm vụ vận chuyển 100kg thuốc nổ TNT nhằm mục đích đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), chặn quân tiếp viện của địch từ thị xã Quảng Trị lên ứng cứu cho Đông Hà, Ái Tử - hai căn cứ quân sự lớn của địch tại vùng chiến thuật 1. Từ đó, tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự của địch đang tập trung rất đông tại chiến trường Quảng Trị.
Trong quá trình hành quân, khoảng rạng sáng ngày 10/4/1972, khi trung đội đến gần cầu Thạch Hãn thì bị địch phát hiện. Quân địch hốt hoảng khi nhìn thấy bộ đội chủ lực của ta nên khẩn cấp điều một lực lượng lớn với ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ gồm dù, biệt động quân và thủy quân lục chiến có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ tạo thành một gọng kìm lớn bao vây Trung đội Mai Quốc Ca.
Cả trung đội lọt thỏm giữa vòng vây của địch. Với tinh thần "1 thắng 100", 20 chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên quyết trụ bám, đẩy lùi những đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía. Hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu bằng súng đạn, lúc hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng xông lên đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm không chịu khuất phục. Người trước ngã xuống, người sau lao lên cho đến người cuối cùng để giữ trận địa.
Trong tình thế ấy, các chiến sĩ đã quả cảm quần nhau với giặc suốt từ lúc rạng sáng cho đến quá trưa thì 19 anh em trong trung đội hy sinh, còn lại một người bị thương khá nặng. Trong lúc người lính này đang tìm đường để bò ra phía bờ sông Thạch Hãn thì bị giặc bắt. Các anh đã ngã xuống sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt 125 binh lính đối phương thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và bắn cháy nhiều xe cơ giới.
Khi tiếng súng ngừng hẳn, địch vẫn khép chặt vòng vây không cho bất cứ người dân Quảng Trị nào đến mang xác các anh về an táng. Chúng sắp các anh nằm thành một hàng ngang, phơi nắng để thị uy tinh thần những ai có tấm lòng với cách mạng. Trước cảnh tượng nhẫn tâm đó, những nông dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đôn đã đấu tranh để giành lại thi thể các anh. Một cuộc giằng co quyết liệt giữa nhân dân và lính ngụy lại tiếp tục diễn ra. Cho đến sáng ngày 11/4/1972, với tinh thần quyết tâm cách mạng, cuối cùng bà con nhân dân cũng đưa được toàn bộ 19 thi thể chiến sĩ về mai táng tại mép sông ở bến Nhan Biều, phía bắc sông Thạch Hãn.
Năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời phong tặng danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100”. Sau ngày non sông thống nhất, hài cốt các anh đã được cải táng đưa về chôn ở nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) trong một khuôn viên chung, trên mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi chung dòng chữ "Liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca".
Sự hy sinh của các chiến sĩ đã viết nên bản anh hùng ca bất tử bên dòng Thạch Hãn, là dấu son tỏa sáng lấp lánh trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, là niềm tự hào của các thế hệ cháu con đất Việt về một thế hệ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
Người cựu chiến binh đi ra… từ cõi chết
Trong trận chiến oanh liệt năm ấy của Trung đội Mai Quốc ca, duy chỉ có một người chiến sĩ may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng, đó là chiến sĩ Vũ Quang Thành. Ông Thành sinh năm 1953, tại thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 5/1971, lúc vừa tròn 18 tuổi, anh Thành nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 634 thuộc tỉnh đội Thanh Hóa. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị anh được điều động vào tăng cường cho Sư đoàn chủ lực 304 đóng quân ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 14/9/1971, anh được biên chế vào Trung đội Mai Quốc Ca, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Hồi tưởng về những người đồng đội, người cựu chiến binh không dấu nổi niềm xúc động, nghẹn ngào: “Tham gia trung đội khi ấy có 13 người đồng hương Thanh Hóa, 5 chiến sĩ đồng hương huyện Vĩnh Lộc. Do có nhiều anh em cùng quê, lại trải qua ngày tháng huấn luyện gian khổ cùng nhau nên anh em rất thân thiết, gắn bó, đoàn kết, vẫn thường trò chuyện, tâm sự về chuyện gia đình, làng xã”.
Trong trận chiến rạng sáng ngày 10/4/1972, chiến sĩ Vũ Quang Thành đã trực tiếp cùng với 19 đồng đội chiến đấu anh dũng, đến những phút cuối cùng. “Khi địch điên cuồng xả súng, tôi vừa kịp tìm chỗ trú ẩn sau một đợt xông pha chống trả quyết liệt và bọc lót cho đồng đội. Bất ngờ một thân hình to lớn đổ gục xuống ngay bên cạnh tôi, chỉ kịp nấc lên mấy tiếng rồi hy sinh. Tôi đau đớn ôm lấy thi thể còn ấm nóng, căng trào dòng máu tươi, nhặt lấy những viên đạn cuối cùng của đồng đội rồi tiếp tục lao ra khỏi vị trí, tiến về phía trước, quyết chiến với giặc”, ông Thành nhớ lại.
Sau trận đánh ác liệt đó, ông Thành bị thương nặng và bị địch bắt, được đđưa đi chữa trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Tại đây ông được mổ nối ruột, sau đó được đưa vào bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng, để tiếp tục chữa trị trong suốt thời gian 2 tháng.
Ra viện, ông cùng 60 đồng chí chiến sĩ bị địch tạm giam mấy ngày tại khu vực chân bán đảo Sơn Trà; giam lỏng ở nhà lao Bạch Đằng khoảng 2 tháng với 7 lần hỏi cung. Ông Thành nhớ rất rõ, sau mỗi lần hỏi cung mà không khai thác được gì, quân địch vô cùng tức giận nói với ông: Chúng mày có hai con đường lựa chọn: Một là chấp thuận chiêu hồi thì sẽ nhận được đãi ngộ, được đưa đến sinh sống ở làng chiêu hồi. Hai là ngoan cố thì xác định ở tù hết kiếp.
Dẫu biết cảnh tù đày muôn vàn khó khăn, gian khổ; quân địch xảo trá dùng đủ hình thức từ thuyết phục, dụ dỗ cho đến dọa nạt nhưng tự sâu thẳm đáy lòng, ông Thành chưa một lần đắn đo, do dự giữa hai con đường lựa chọn. Lòng tự trọng, ý chí của người lính luôn cất lên câu trả lời đanh thép: “Thà chết, thà chấp nhận bị giam cầm, ngược đãi chứ nhất định không chịu chiêu hồi”.
Tinh thần, ý chí, lòng quyết tâm ấy cuối cùng cũng được đền đáp. Ngày 10/3/1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông và các chiến sĩ bị tù đày khác được trao trả tự do bên dòng Thạch Hãn.
Năm 1974, anh được đơn vị cho phục viên trở về quê hương rồi đi học lớp Trung cấp kế hoạch và tham gia công tác địa phương. Năm 1975, anh lập gia đình với chị Trịnh Thị Huệ, sinh được 3 người con và sính sống tại địa phương.
Là người duy nhất may mắn thoát chết trở, nỗi lòng ông Thành vẫn luôn đau đáu nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Ông tự nhủ: “Tôi là chiến sĩ may mắn, may mắn hơn anh em, đồng chí, đồng đội của mình. Vì vậy, tôi phải sống một cách thật ý nghĩa để trả ơn cuộc đời và xứng đáng với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc”.
Và như để tri ân đối với quá khứ, ông Thành là một trong những người chủ chốt, tích cực vận động, xây dựng và phát triển Ban liên lạc hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày huyện Vĩnh Lộc. Ban liên lạc được xem là “mái nhà chung”, nơi kết nối, giao lưu, gặp gỡ, tích cực hoạt động, quan tâm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của những người lính đã từng bị địch bắt, tù đày trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc.
Hơn nửa thế kỷ đi qua kể từ trận đánh lịch sử mùa hè năm ấy, mỗi lần có dịp, người chiến sĩ giải phóng Vũ Quang Thành năm xưa lại trở về với Quảng Trị - mảnh đất khói lửa khốc liệt một thời, thăm lại trận địa xưa nơi các anh đã chiến đấu bằng trái tim yêu nước của những người tuổi trẻ, vào nghĩa trang thắp nén tâm nhang tưởng niệm những người đã khuất. Đến năm 2014, phần mộ của 16 đồng chí thuộc Trung đội Mai Quốc Ca đã được gắn tên, bổ sung thêm thông tin.
Có một câu chuyện đặc biệt, vào giữa năm 1996, trong dịp cùng thân nhân đồng đội trở lại chiến trường xưa, tìm lại những người đồng đội đã ngã xuống, ông Thành đã bất ngờ phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sĩ.
Ông Thành xúc động kể: “Chính ông cũng có một ngôi mộ được gắn tên, tuổi, quê quán ở Nghĩa trang Ái Tử. Ông vẫn không rời xa đồng đội, tên ông vẫn ở đó, trong danh sách 20 cái tên của trung đội anh hùng. Đó là điều thiêng liêng, niềm hãnh diện lớn lao mà ông mang theo suốt cuộc đời mình”.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nguoi-ve-tu-coi-chet-cua-trung-doi-anh-hung-mai-quoc-ca-a36365.html