Sang tuần tới có thể xuất hiện một cơn bão mới ở Biển Đông

Chuyên gia khí tượng nhận định, Biển Đông có thể hứng thêm một cơn bão trong tuần tới và miền Bắc sẽ tiếp tục còn mưa to

Ông TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên dải hội tụ nhiệt đới hình thành bão Talim (bão số 1) vừa qua đã hình thành thêm các vùng xoáy thấp mới. Một vùng áp thấp hình thành trong sáng 18/7, khả năng trong 1-2 ngày tới vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.

Sang tuần tới có thể xuất hiện một cơn bão mới ở Biển Đông - Ảnh 1.

TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

"Khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày cuối tháng 7. Chúng tôi vẫn đang theo dõi và sẽ cảnh báo sớm về diễn biến của cơn bão mới có khả năng hình thành này. Trong khi đó, do ảnh hưởng của rìa ra phía Nam hoàn lưu sau bão số 1 (bão Talim), miền Bắc tiếp tục có mưa, đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi...", TS. Lâm cho hay.

Theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, từ chiều tối 19-21/7, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cảnh báo từ đêm 19 và ngày 20/7, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2,0-3,0m; biển động.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển trong 24 giờ tới: Khu vực vịnh Bắc Bộ, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan: cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/sang-tuan-toi-co-the-xuat-hien-mot-con-bao-moi-o-bien-dong-a36095.html