Theo đó, sáng nay (13/7), Kỳ họp lần 6, khoá VIII, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc.
Trong báo cáo trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực phát triển kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 6,51% so với cùng kỳ, tuy cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng 9% - 10%, đây sẽ là thách thức rất lớn để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 từ 9% - 10% theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra. Thu ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ.
Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu,… tiếp tục gặp nhiều khó khăn: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 06 tháng ước tăng 1,56% so với cùng kỳ (06 tháng năm 2022 tăng 9,24%). Một số dự án sản xuất công nghiệp chậm tiến độ đã tác động đến năng lực tăng thêm và tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện tiếp tục giảm; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Ngoài ra, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm so với cùng kỳ. Một số dự án đầu tư, dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng bị ngưng trệ, chậm triển khai thực hiện; công tác quy hoạch triển khai còn chậm, chất lượng có mặt chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng gặp một số khó khăn, vướng mắc, chậm được giải quyết dứt điểm; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu kế hoạch. Việc triển khai thực hiện 03 chương trình Mục tiêu Quốc gia gặp một số khó khăn, vướng mắc…
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thẳng thắn thừa nhận một số nguyên nhân như: Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, thiếu trách nhiệm, gây ách tắc, chậm trễ trong giải quyết công việc. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.
Không chỉ vậy, việc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nội dung chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có mặt còn hạn chế, chưa cụ thể và chất lượng chưa cao; công tác phối hợp, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trên các ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan như: Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nằm ngoài dự báo từ đầu năm đã tác động rất lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tỉnh, kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt là việc thị trường bất động sản đóng băng; xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vướng mắc về thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án và làm chậm giải ngân vốn đầu tư công...
Lê Kông
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/thua-thien-hue-mot-so-can-bo-van-con-dun-day-cong-viec-so-sai-a35841.html