"Bộ Y tế cũng như Bộ Công an, phải được 150 triệu/chuyến"
Sáng 12/7, phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo đại diện cho các doanh nghiệp đưa hối lộ.
Trả lời đầu tiên, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) thừa nhận hành vi đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng cho các quan chức như cáo trạng quy kết. Đồng thời, bị cáo xin tòa xem xét lý do phải đưa tiền vì muốn được cấp phép các chuyến bay phải chịu sức "ép".
Bà Hoàng Diệu Mơ khẳng định, nếu không đưa hối lộ, sẽ bị làm khó "khả năng được cấp một chuyến song các chuyến sau sẽ không được".
Trong cáo trạng, doanh nghiệp của Mơ thực tế được cấp phép 66 chuyến bay trong giai đoạn 2020 – 2021.
Về việc đưa hối lộ, bị cáo Mơ khai từng xin cấp phép chuyến bay khi chưa "đưa tiền" nhưng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nói không thể vì Bộ Công an chưa trả lời. Do đó, bị cáo Mơ đến gặp bị cáo Trần Văn Dự, Cục phó Xuất nhập cảnh Bộ Công an và được yêu cầu gặp cấp dưới của ông ta là bị cáo Vũ Anh Tuấn.
Bị cáo Mơ cho hay, lúc gặp mặt, bị cáo Tuấn ngã giá muốn được cấp phép phải chi 150 triệu đồng/chuyến hoặc 2 triệu đồng/người về nước, và bà Mơ đồng ý.
Bên cạnh đó, Mơ cũng khai được Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế chủ động liên hệ, nói: "Bộ Y tế cũng như Bộ Công an, phải được 150 triệu/chuyến". Tổng số tiền mà bà Mơ đưa cho Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn là mỗi người hơn 5,1 tỷ đồng.
Quá trình xét hỏi, bị cáo Hoàng Diệu Mơ khai thêm, đã đến gặp cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng để xin giúp đỡ và được đồng ý. Đổi lại, Mơ đã hối lộ cho cựu Thứ trưởng tổng cộng 8,5 tỷ đồng và cựu Cục trưởng Lãnh sự, Nguyễn Thị Hương Lan 2,6 tỷ đồng…
"Lúc đưa tiền, anh Tô Anh Dũng bảo lần sau không được đưa anh nữa, nhưng sau lần này bị cáo còn đưa thêm 7 lần nữa, anh Dũng không từ chối", bị cáo Mơ khai.
Trong vụ án, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bị cáo buộc trong giai đoạn 2020 – 2021 đã nhận hối lộ tổng cộng 37 lần từ nhiều người, tổng số tiền 21,5 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hơn 25 tỷ đồng.
Vừa là bị cáo vừa là bị hại mong được trả lại tiền
Tới lượt mình, bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) khai nhận sử dụng pháp nhân Công ty ATA để xin Văn phòng Chính phủ (VPCP) cấp phép chuyến bay.
Theo Vy, ở VPCP bị cáo đưa tiền hối lộ cho Nguyễn Mai Anh (là chuyên viên văn phòng) 3 tỷ đồng; đưa nhóm cán bộ của tổ công tác 5 Bộ hàng chục tỷ đồng. Mục đích đưa tiền hối lộ là để cảm ơn họ tạo điều kiện cho việc cấp chuyến bay…
Còn bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) khai, trong quá trình xin cấp phép chuyến bay đã hối lộ Tô Anh Dũng và Nguyễn Thị Hương Lan mỗi người hàng chục nghìn USD… Tương tự như Vy, bị cáo Xa cho rằng nếu không đưa hối lộ, Công ty sẽ không được cấp phép tổ chức các chuyến bay giải cứu.
Cũng tại phần khai báo sáng nay, các bị cáo cáo Phạm Bích Hằng (Phó giám đốc Công ty Du lịch quốc tế); Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Thái Hòa); Lê Thị Ngọc Anh (nhân viên Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương) và Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury) cho hay, quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay đã đưa hối lộ nhiều lần cho nhóm cán bộ tại tổ công tác 5 Bộ.
Trong vụ án, Phạm Bích Hằng (Phó giám đốc Công ty Du lịch quốc tế) ngoài giữ vai trò là bị cáo cũng được cơ quan tiến hành tố tụng xem là bị hại. Ở vai trò này, Hằng đề nghị các bị cáo từng “ép” đưa hối lộ phải hoàn trả lại tiền.