Sáng 6/7, HĐND Tp.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ khi ban hành đến năm 2030.
Về đối tượng áp dụng: Công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố Hà Nội trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020; Cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân các cấp; Tổ chức, cá nhân sở hữu chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ.
Về phạm vi điều chỉnh, nghị quyết quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn thành phố. Diện tích quy định với khu vực ngoại thành (gồm 18 huyện, thị xã) là 8 m2 sàn/người và nội thành (gồm 12 quận) là 15 m2 sàn/người.
UBND Tp.Hà Nội được giao tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết này. Quá trình thực hiện, Thành phố cần rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế.
Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND Thành phố, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều. Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định.
Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. Dân số của Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
Việc gia tăng dân số tại các quận nội thành, nhất là các quận thuộc khu vực nội đô mở rộng như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống...
Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp Thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành.
Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Do vậy, Ban Pháp chế đồng tình với với quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố theo khoản 2 Điều 3 của Luật Cư trú năm 2020 là “Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cổ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội".
Việc UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết này là một trong những giải pháp để có cơ chế, chính sách để đảm bảo các nhiệm vụ về phát triển đô thị của Thủ đô.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ha-noi-thong-qua-quy-dinh-o-15m2-sannguoi-moi-duoc-dang-ky-thuong-tru-a35610.html