Trong ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 12, ngày 6/7, HĐND Tp.Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo Nghị định số 111.
Kết quả rà soát cho thấy, tổng số chỉ tiêu lao động hợp đồng đề nghị giao bổ sung cho lĩnh vực giáo dục, y tế năm 2023 là 3.119 chỉ tiêu. Trong đó, tổng số chỉ tiêu lao động hợp đồng lĩnh vực giáo dục cần bổ sung là 3.112 chỉ tiêu.
Cụ thể, đối với đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có 1/122 trường có tỉ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10% là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung của trường này là 3 chỉ tiêu.
Đối với đơn vị thuộc UBND quận, huyện, thị xã, có 5 quận không có đơn vị sự nghiệp công lập có tỉ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 10% là: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
25 quận, huyện, thị xã còn lại đều có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 và tổng hợp theo từng cấp học. Số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung là 3.109, trong đó cấp THCS là 956, cấp tiểu học là 1.723, cấp mầm non là 430.
Đối với lĩnh vực y tế, có 4/78 đơn vị sự nghiệp công lập có tỉ lệ tự bảo đảm chi thường xuyên dưới 10%. Trong đó, có 2 đơn vị đề nghị bổ sung lao động hợp đồng theo Nghị định số 111 là Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Số chỉ tiêu lao động hợp đồng cần bổ sung là 7 chỉ tiêu.
Sau khi được HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố sẽ phân bổ 3.119 chỉ tiêu lao động hợp đồng trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế. Chỉ tiêu lao động hợp đồng được giao thực hiện từ tháng 8/2023 đến hết tháng 12/2023.
HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố chỉ đạo việc ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, vị trí việc làm.
Cùng với đó, có giải pháp nâng cao mức tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, y tế.
Theo đó, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Theo Tờ trình số 270 của UBND thành phố Hà Nội, tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực giáo dục và y tế là vấn đề nóng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục, số lượng học sinh hàng năm đều có sự biến động tăng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên.
Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập (không tính các trường đã nâng mức tự chủ, chuyển sang tự chủ chi thường xuyên).
Theo báo cáo của các đơn vị, số lượng giáo viên còn thiếu 8.939 biên chế, do số biên chế viên chức được giao thấp hơn định mức số lượng người làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, bậc tiểu học 3.634, bậc THCS 2.684, bậc THPT 1.296.
Đối với lĩnh vực y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn tại địa phương có dân số lớn hơn mức nhân lực tối đa theo quy định. Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực y tế để bảo đảm phục vụ khám, chữa bệnh, làm công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Như vậy, việc bổ sung chỉ tiêu lao động hợp đồng cho các cơ sở giáo dục, y tế là cần thiết và phù hợp với quy định cũng như yêu cầu thực tiễn.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ha-noi-giao-3119-chi-tieu-lao-dong-hop-dong-linh-vuc-giao-duc-va-y-te-a35603.html