Theo đó, HĐND Thành phố nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng.
Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện quyết liệt hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nắm chắc tình hình tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất kinh doanh kịp thời thích ứng với tình hình. Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn.
Các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống. Giải ngân tối đa các gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ, trong đó triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng; các chương trình cho vay kết nối ngân hàng doanh nghiệp.
Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí; trong đó đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước; đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Kiểm soát tốt giá cả, thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo cân đối cung - cầu, nhất là cân đối về xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng; kiên định mục tiêu kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%.
Đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo UBND Thành phố định kỳ tổ chức giao ban để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách (về giải phóng mặt bằng, về thủ tục đầu tư, về đơn giá, định mức, về công bố giá, các vấn đề về quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, cấp phép phòng cháy chữa cháy...).
Thực hiện công khai, minh bạch, đúng luật, đảm bảo công bằng, chính xác, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm điểm, chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển hai thực hiện Nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thiện, trình phê duyệt một số quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện; Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ; Danh mục công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954…
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
HĐND TP cũng tán thành những nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2023 do UBND Thành phố trình. Trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số và phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế về cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Thành phố.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã; khi phân giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, “một việc – một đầu mối xuyên - suốt”.
Thành phố cho phép các quận, huyện: Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai, Gia Lâm và Đông Anh được sử dụng 2.275.100 triệu đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận, huyện để chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, cụ thể: Quận Đống Đa 100.000 triệu đồng. Quận Ba Đình 70.000 triệu đồng. Quận Hoàng Mai 1.000.000 triệu đồng. Huyện Gia Lâm 1.005.100 triệu đồng. Huyện Đông Anh 100.000 triệu đồng.
Thống nhất điều giảm dự toán Kinh phí hỗ trợ các huyện thực hiện đề án lên quận: 13.950 triệu đồng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ha-noi-kien-dinh-muc-tieu-kiem-soat-chi-so-gia-tieu-dung-duoi-45-a35498.html