Trao cơ chế đặc thù: Tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức TPHCM ra sao?

Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chiều 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Liên quan đến thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), Hội đồng nhân dân TPHCM sẽ quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập.

Trao cơ chế đặc thù: Tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức TPHCM ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền TPHCM trong quá trình ban hành chính sách, chế độ, định mức cụ thể cần chú ý, bảo đảm không tạo khoảng cách, chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn giữa người lao động trong thành phố và giữa thành phố với các địa phương khác trong cả nước.


Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, UBND TPHCM được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngoài các lĩnh vực quy định tại Luật Đầu tư, TPHCM được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Bên cạnh đó, TPHCM được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Về các loại hợp đồng BT, thẩm quyền, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án thực hiện theo hợp đồng BT được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Cũng theo Nghị quyết, ngân sách TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn TPHCM phải bảo đảm có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp…

Quốc hội cũng cho phép TPHCM thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân TPHCM được quyết định 3 chính sách lớn.

Cụ thể, được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

“Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách Nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này”, Nghị quyết nêu rõ.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/trao-co-che-dac-thu-tien-luong-thu-nhap-tang-them-cua-can-bo-cong-chuc-tphcm-ra-sao-a35090.html