Như vậy, sau khi thông qua luật, trong lực lượng công an có thêm 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng . Trong đó có 1 Thượng tướng là sĩ quan công an biệt phái được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc xác định số lượng vị trí cấp tướng đã được xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.
Đối với trường hợp sĩ quan CAND biệt phái được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp bậc hàm cao nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật hiện hành. Các vị trí sĩ quan biệt phái được phê chuẩn giữ các chức vụ Ủy viên Thường trực, nếu có trong thực tiễn bố trí thì việc phong, thăng cấp bậc hàm được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 25và khoản 2 Điều 29 Luật hiện hành. Đối với sĩ quan biệt phái được phê chuẩn Ủy viên chuyên trách không quy định chức danh này có cấp bậc hàm cấp tướng.
Luật Công an nhân dân hiện hành đã quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng; từng vị trí đã được quy định cụ thể trong luật và trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng là đủ số lượng vị trí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Luật được Quốc hội thông qua cũng sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an.
Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan công an là Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá; Thượng tá, nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ.
Trường hợp đặc biệt sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với các ý kiến đề nghị quy định bảo đảm tương quan giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hai lực lượng này có nhiều chính sách tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động, địa bàn, lĩnh vực cụ thể. Uỷ ban Thường vụ đã chỉ đạo Uỷ ban Quốc phòng An ninh nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến này, trao đổi, thống nhất với Bộ Quốc phòng để chỉnh lý các quy định về chế độ, chính sách, hạn tuổi phục vụ, cấp bậc hàm cao nhất cho phù hợp.
Trước đó, có ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về mức tăng hạn tuổi khác nhau giữa các cấp bậc hàm. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng hạn tuổi phục vụ đối với nữ sĩ quan có cấp bậc Thượng tá, Đại tá; quy định nữ Thượng tá thấp hơn 58 tuổi, nữ Đại tá thấp hơn 60 tuổi, vì thuộc ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mức tăng hạn tuổi khác nhau giữa các cấp bậc hàm để vừa bảo đảm sự thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu (nam tăng 2 tuổi và nữ tăng 5 tuổi) và phù hợp điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu của từng vị trí cấp bậc hàm trong công an nhân dân.
Riêng trường hợp đặc biệt được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động công tác của lực lượng công an có tính chất đặc thù.
Một số trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan đã đến hạn tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật nhưng do yêu cầu nhiệm vụ chưa bố trí được người thay thế nên sĩ quan đó phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp đặc biệt được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội… nhưng chưa được quy định trong luật.
Do vậy, dự thảo luật bổ sung quy định này là phù hợp yêu cầu thực tiễn, thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước.