Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết trên cơ sở ý kiến đại biểu thảo luận hội trường ngày 24/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án xin ý kiến đại biểu. Một là lập ngay Quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố và hai là chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.
Kết quả, 374/494 đại biểu tham gia ý kiến, trong đó có 68,36% (255 đại biểu) tán thành phương án 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định nội dung của Phương án 1 như thể hiện tại Điều 40. Theo đó, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.
Quỹ phòng thủ dân sự được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra. Quỹ được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Quỹ sẽ hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thực hiện trong trường hợp cấp bách.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Trước đó, chiều 24/5, giải trình trước Quốc hội một số nội dung tại dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Chính phủ chọn phương án thành lập quỹ trước khi xảy ra các vụ việc là “xuất phát từ bài học gần nhất là ứng phó với Covid-19”.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng vũ trang và y tế được Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lập các bệnh viện dã chiến trong vùng dịch. Để xây dựng bệnh viện dã chiến thời điểm này rất khó khăn, trang thiết bị giá hàng chục tỷ đồng lúc này cũng rất khó mua. Dù vậy, quân đội vẫn thành lập được 16 bệnh viện 500-1.000 giường ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có.
“Rõ ràng phải cần phải có lực lượng dự bị, phải cần có vốn, có quỹ, nếu lúc đó chúng ta mới thành lập thì sẽ thất bại”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ.
Theo đại tướng Phan Văn Giang, cơ quan soạn thảo đã tính toán không tăng biên chế vì quỹ sẽ giao cho Bộ Tài chính quản lý, tương tự như quỹ vaccine, khi cần Thủ tướng Chính phủ có thể quyết ngay.
Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.