Chú trọng nâng cấp y tế cơ sở, tăng cường phòng bệnh không lây nhiễm

Trung tâm y tế quận Tây Hồ có 8/8 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, cùng với đó Trung tâm cũng luôn chú trọng phòng bệnh không lây nhiễm.

Động viên kịp thời nhân viên y tế

Ngày 15/2/2023, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Theo đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp: làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm ytế huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố.

Xoay quanh chính sách hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Văn Báu - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, được sự quan tâm của Thành phố, Sở Y tế Hà Nội đặc biệt là Quận ủy, HĐND- UBND quận Tây Hồ, Trung tâm y tế quận Tây Hồ, người lao động luôn luôn được động viên kịp thời nhất là trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận.

Sự kiện - Chú trọng nâng cấp y tế cơ sở, tăng cường phòng bệnh không lây nhiễm

Ông Lưu Văn Báu - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Tây Hồ.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có Nghị định 05/2023/NĐ-CP về hỗ trợ 100% ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế cơ sở, cán bộ công nhân viên ngành y một phần yên tâm công tác.

“Hiện tại Trung tâm y tế quận Tây Hồ thực hiện đúng chính sách chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề theo đúng quy định Nhà nước”, ông Báu cho hay.

Đa dạng hình thức phòng bệnh không lây nhiễm

Chia sẻ thêm về ý thức của cán bộ y tế, người dân trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, ông Báu chia sẻ, bệnh không lây nhiễm hay còn gọi là bệnh mạn tính là các bệnh không lây truyền, phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí diễn ra suốt cả cuộc đời. Bệnh tạo ra gánh nặng nặng nề do tỉ lệ tàn phế và tử vong cao.

Các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường,…) đang được xem là thách thức với toàn cầu và là gánh nặng lớn đối với toàn xã hội trong vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Sự kiện - Chú trọng nâng cấp y tế cơ sở, tăng cường phòng bệnh không lây nhiễm (Hình 2).

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn.

Tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng nhanh chóng. Tại Hà Nội, năm 2021 cuộc điều tra tỉ lệ tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở người dân từ 18- 69 tuổi với kết quả tỉ lệ tăng huyết áp (có bao gồm người đang sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp) là 30,8%.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Tây Hồ, số bệnh nhân tăng huyết áp hiện mắc của quận là 7.197 người (tỉ lệ 20,1%), bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường 3.490 người (tỉ lệ 29,4%).

Ông nhấn mạnh các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cứ 10 trường hợp tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

Có tới 43% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra trước 70 tuổi. Số ca tử vong của 5 tháng đầu năm 2023 của quận Tây Hồ là 270 ca, trong đó 115 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm (chiếm tỉ lệ 42,6%).

Ông Báu cũng thông tin hoạt động truyền thông và vận động xã hội trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Trung tâm y tế quận những năm qua đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng bệnh không lây nhiễm như:

Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; tăng cường vận động thể lực cho người dân ở cộng đồng; truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, cán bộ y tế luôn luôn đổi mới thái độ phong cách phục vụ nâng cao trình độ chuyên môn để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sự kiện - Chú trọng nâng cấp y tế cơ sở, tăng cường phòng bệnh không lây nhiễm (Hình 3).

Trung tâm luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phòng bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, ông Báu cũng chỉ ra những trở ngại trong hoạt động này do nhận thức của cộng đồng về bệnh không lây nhiễm chưa cao. Trong đó, nhiều người còn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về sự nguy hại và hậu quả nặng nề của bệnh không lây nhiễm gây ra.

“Đây được xem là rào cản lớn nhất cho những nỗ lực trong hoạt đông phòng chống bệnh không lây nhiễm”, ông Báu chia sẻ.

Do đó, ông cho rằng nâng cao nhận thức của cộng đồng là vấn đề then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu của hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Cùng với đó, tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận ngoài việc thực hiện tốt về công tác chuyên môn Trung tâm Y tế quận còn rất chú trọng công tác nâng cấp hệ thống y tế cơ sở.

Ông Báu cho biết, được sự quan tâm của thành phố, Sở Y tế Hà Nội đặc biệt Quận ủy, HĐND- UBND quận Tây Hồ, Trung tâm y tế quận Tây Hồ đã được đầu tư; cải tạo sửa chữa, nâng cấp và xây mới 8 trạm y tế, 2 phòng khám đa khoa và 1 khoa tư vấn và điều trị nghiện chất đã đưa vào sử dụng.

Hiện, Trung tâm y tế quận Tây Hồ đang được sửa chữa và nâng cấp dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2023.

Ông Thẩm Ngọc Trung - Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ cho biết: “Trên địa bàn quận có 3 bệnh viện, 5 phòng khám đa khoa, 1 Trung tâm Y tế, 1 khoa tư vấn và điều trị nghiện chất và 8 trạm y tế. Trong đó, 8 trạm y tế đều đã được đầu tư, xây dựng và hoàn thiện đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong lĩnh vực y tế luôn được Quận ủy, HĐND- UBND quận Tây Hồ chú trọng đầu tư”.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chu-trong-nang-cap-y-te-co-so-tang-cuong-phong-benh-khong-lay-nhiem-a34782.html