Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho hay sở này vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM về hiện trạng hạ tầng giao thông và đề xuất nhiều giải pháp, cơ chế tìm vốn để triển khai các dự án trọng điểm trong 5 năm tới.
Nhiều dự án lớn chờ vốn
Báo cáo của Sở GTVT thành phố cho thấy thời gian qua, TP HCM đã tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông ở TP HCM vẫn không theo kịp quy hoạch, đáng nói nhất là một số công trình trọng điểm mang tính cấp thiết vẫn chưa thể triển khai hoặc chưa thể hoàn thành. Trong đó đáng kể nhất là đường Vành đai 3 và 4 chưa được đầu tư, Quốc lộ 1, 1K, 50, 22, 13 chưa được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch...
Nguyên nhân, theo ông Phan Công Bằng, phần lớn là do thiếu vốn. Bằng chứng là nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông tại TP HCM nhiều năm qua chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế. Ðáng nói hơn, thời gian vừa qua, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh, nguồn vốn ngân sách của TP HCM phải tập trung cho công tác phòng chống dịch nên nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông càng khó khăn. "Do đó, TP HCM cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút các nguồn lực đầu tư khác. Nếu không tìm được nguồn vốn thì khó đạt được mục tiêu mà Ðề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 đặt ra" - ông Phan Công Bằng nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng theo đề án trên thì đến năm 2025, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15% (hiện đạt 12,2%), đến năm 2030 là 17,8%; nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cho giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP HCM 218.239 tỉ đồng, còn lại là vốn khác như ngân sách trung ương, ODA, PPP... Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố được Quốc hội thông qua là 142.557 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 20,1% nhu cầu thực tế, chỉ đủ bố trí cho các dự án chuyển tiếp, không thể thực hiện các dự án mới.
Trong khi đó, 5 năm tới, TP HCM cần phải tập trung hoàn thành hàng loạt dự án như nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường Trần Quốc Hoàn, 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, metro số 1, metro số 2, Vành đai 2, Vành đai 3, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành, cầu đường Nguyễn Khoái. Chưa hết, thành phố còn phải tìm nguồn vốn để chuẩn bị đầu tư các dự án Vành đai 4, đường trên cao số 1, số 5, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, các cầu kết nối bán đảo Thanh Ða, xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD Long Bình. "Tất cả dự án này đều mang tính cấp thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của TP HCM" - ông Phan Công Bằng nói.
TP HCM đang cần nguồn vốn lớn để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ðề xuất nhiều giải pháp, cơ chế gỡ khó
Ðể có nguồn vốn đầu tư các dự án trọng điểm đúng với kế hoạch đề ra, ông Phan Công Bằng cho biết Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP HCM nhiều giải pháp, cơ chế để UBND thành phố kiến nghị lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, đề xuất UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm khả năng cân đối vốn theo quy định hoặc không tính vốn đầu tư các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ðề xuất UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn cho thành phố vay lại với lãi suất 0%, dư nợ của phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách. Ðặc biệt, cho phép TP HCM tổ chức quy hoạch đất hai bên tuyến, đầu tư các tuyến đường nhánh, tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất làm nguồn lực triển khai dự án và trả nợ vốn vay Chính phủ hoặc thanh toán trái phiếu chính quyền địa phương. "Ðể thực hiện được, Chính phủ cần phân cấp, ủy quyền cho TP HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố để rút ngắn thời gian" - ông Phan Công Bằng thông tin.
Bình luận về những đề xuất trên, TS Ðinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, khẳng định rất khả thi và cần triển khai sớm, nhất là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp sau thời gian tập trung ngân sách phòng chống dịch bệnh. "Trong các giải pháp, cơ chế nêu trên thì việc phát hành trái phiếu đô thị là phương thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao hơn vốn vay ngân hàng nên cần thực hiện đầu tiên" - TS Ðinh Thế Hiển phân tích. Bởi theo ông, TP HCM với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nên khi phát hành trái phiếu sẽ thu hút người mua. Khi phát hành trái phiếu cần có tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Lúc đó, người cần bán hay mua có thể lên sàn giao dịch. Như vậy tiện lợi và thu hút hơn...
TP HCM cần sớm xây dựng cơ chế thu lại một phần giá trị bất động sản gia tăng nhờ dự án đi qua của các nhóm chủ đất, chủ bất động sản. Thực tế rất nhiều con đường mở ra khiến giá đất tăng rất cao, giúp nhiều nhà đầu tư hưởng lợi "khủng" nhưng ngân sách không thu được gì mà còn phải chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng".
TS ÐINH THẾ HIỂN - chuyên gia kinh tế
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/cap-bach-tim-von-cho-ha-tang-giao-thong-a3473.html