Thiết kế 10 năm chưa lỗi thời của Apple

Đến nay hệ điều hành iOS vẫn duy trì nhiều yếu tố thiết kế được giới thiệu lần đầu trên phiên bản iOS 7 ra mắt năm 2013.

Thiết kế mô phỏng vật thể, nổi khối trên iOS 6 (trái) bị thay thế bằng biểu tượng phẳng trên iOS 7. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi nghĩ rằng có một vẻ đẹp sâu sắc và bền vững trong sự đơn giản”, Johny Ive, người được mệnh danh là "phù thủy thiết kế" của Apple, nói khi bắt đầu giới thiệu iOS 7.

Đoạn video giới thiệu sau đó tiết lộ một hệ điều hành khác hẳn so với những gì người dùng đã quen thấy trên iPhone. iOS 7 thay đổi giao diện của gần như mọi ứng dụng, loại bỏ thiết kế mô phỏng vật thể thực, thay vào đó là thiết kế biểu tượng được đơn giản hóa, nhiều không gian trống.

Những yếu tố thiết kế được giới thiệu trong bản phát hành năm 2013 vẫn là nền tảng cho những gì chúng ta thấy trên iPhone ngày nay.

iOS 7 làm thay đổi hẳn hình chính của iPhone. Các biểu tượng phẳng hơn, nhiều màu đỏ tươi, xanh lá và xanh lam, làm cho màn hình chính trông sáng hơn. Thanh tín hiệu sóng điện thoại cũng được đơn giản hóa thành 5 chấm tròn.

Phiên bản hệ điều hành năm 2013 cũng là lần đầu tiên Apple thêm độ mờ trong iOS, chẳng hạn như khi mở đa nhiệm hoặc mở Trung tâm điều khiển, tạo cảm giác phân lớp.

“Rất nhiều lời chỉ trích xung quanh iOS 7 tập trung vào phiên bản ra mắt đầu tiên: phông chữ quá mỏng, biểu tượng không nhất quán, hình ảnh động kéo dài quá lâu. Nhưng đây là điều bình thường đối với bất kỳ ngôn ngữ thiết kế mới nào, cần có thời gian để hoàn thiện", Janum Trivedi, kỹ sư thiết kế tại The Browser Company, nói với The Verge.

Và Apple đã tinh chỉnh nhiều yếu tố trong giao diện của iOS trong nhiều năm qua, nhưng nhìn chung, ý tưởng cốt lõi vẫn được giữ nguyên. Các biểu tượng ứng dụng trên iOS đến nay vẫn còn khá phẳng, bên trong ứng dụng có nhiều khoảng trắng và một số cửa sổ mờ, như trong Safari và Messages.

“Qua nhiều năm, ngôn ngữ thiết kế đã trưởng thành và các yếu tố mới lạ của iOS 7 đã trở thành một phần nền tảng của tất cả các thiết kế của Apple ngày nay: độ mờ, độ sống động, tính tương tác, hoạt ảnh, độ sâu”, Trivedi cho biết.

iOS 7 cũng giới thiệu các tính năng mới, nay đã trở thành chủ lực của iOS, chẳng hạn như Trung tâm điều khiển. Tính năng này ban đầu bị một số người dùng đánh giá là sắp xếp lộn xộn, nhưng qua các bản thiết kế lại trên iOS 10 và 11, bây giờ Trung tâm điều khiển là một phần không thể thiếu giúp truy cập nhanh các cài đặt điện thoại thường dùng.

AirDrop cũng là tính năng xuất hiện lần đầu trên iOS 7, hiện đã trở thành một phương thức đặc trưng giúp người dùng dễ chuyển file, ảnh và video giữa các thiết bị Apple. Ứng dụng Camera trên iOS 7 lần đầu tiên cho phép người dùng chuyển đổi giữa các chế độ ảnh, ảnh vuông, ảnh toàn cảnh và video bằng thao tác vuốt. Cách điều khiển này vẫn được duy trì đến nay.

Sau hơn 10 năm, người dùng điện thoại có nhu cầu mới, chẳng hạn như cá nhân hóa. Một số ứng dụng thiết kế theo phong cách mô phỏng hình ảnh thực bắt đầu được ưa chuộng trở lại. Với iOS 16, Apple đã cho người một một số lựa chọn tùy chỉnh iPhone, nhưng hãng vẫn có xu hướng bảo thủ và an toàn với thiết kế iOS, theo Enid Hadaj, nhà phát triển ứng dụng iOS độc lập.

“Sau một thập kỷ, đến hôm nay, tôi vẫn không thể tin rằng phong cách thiết kế của iOS 7 vẫn hiện diện trong các phiên bản iOS mới. Đôi khi tôi không thể phân biệt được giữa các bản iOS vì trông rất giống nhau", Hadaj cho biết.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/thiet-ke-10-nam-chua-loi-thoi-cua-apple-a34408.html