Cấp khống giấy nghỉ ốm: Có sự thông đồng

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, việc chi trả chế độ BHXH nghỉ ốm được ngành thực hiện qua tài khoản nên xác định đúng người, chỉ thanh toán chế độ khi đầy đủ thủ tục.

Có tình trạng cấp giấy nghỉ ốm trục lợi quỹ BHXH, BHYT 

Chiều ngày 5/6, tại cuộc họp báo định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quý II/2023, thông tin vụ việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm khống cho người lao động, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu BHXH, đơn vị đã kiểm tra, giám sát việc chi trả và phát hiện việc trục lợi BHXH, BHYT".

“Việc chi trả chế độ BHXH nghỉ ốm được ngành BHXH thực hiện qua tài khoản nên xác định đúng người. BHXH Việt Nam chỉ thanh toán chế độ khi đầy đủ thủ tục. Việc trục lợi quỹ BHXH, BHYT như vụ việc tại Đồng Nai là có sự thông đồng giữa phòng khám và người lao động”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.

“Chúng tôi trả vào tài khoản của người lao động, khi họ đồng ý ký vào giấy chứng nhận nghỉ ốm. Chúng tôi đối chiếu, đối soát và phát hiện ra. Nếu không có bước này thì trục lợi BHXH, BHYT vô cùng lớn. 4 - 5 năm trước, trục lợi BHXH nhiều, đến nay cơ bản được hạn chế", ông Mạnh nói thêm.

Sự kiện - Cấp khống giấy nghỉ ốm: Có sự thông đồng

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin với báo chí.

Liên quan đến vụ việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm khống, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết thêm, việc cấp giấy nghỉ ốm trục lợi quỹ BHXH, BHYT đã diễn ra nhiều năm nay. Có tình trạng người lao động không bị bệnh nhưng đến cơ sở khám chữa bệnh xin cấp giấy nghỉ ốm.

“Chúng tôi từng nhận được phản ánh của một doanh nghiệp về tình trạng công nhân nghỉ việc nhiều liên quan đến giấy nghỉ ốm và kiến nghị rà soát. BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát, kiểm tra và khi phát hiện sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm và đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra”, ông Lê Văn Phúc cho biết.

Theo ông Phúc, BHXH Việt Nam luôn quan tâm đến tình trạng trục lợi BHYT thông qua rà soát hệ thống dữ liệu.

Từ cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã đưa ra quy trình khám chữa bệnh BHYT và bảng thống kê dùng vật tư y tế... để kiểm soát. Bên cạnh việc giám định điện tử, đơn vị có giám định trực tiếp, nhất là tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

“BHXH từng ghi nhận trên hệ thống về thông tin một bác sĩ đăng ký khám chữa bệnh tại Tp.Hồ Chí Minh nhưng cùng thời gian phát hiện bác sĩ này đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở 2 tại Vĩnh Long. Qua cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử, tình trạng trục lợi trong thời gian qua đã giảm nhiều”, ông Lê Văn Phúc cho hay.

Trước đó, ngày 30/5, Công an Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) phối hợp với công an một số phường, xã trên địa bàn đồng loạt kiểm tra, khám xét nhiều phòng khám tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Bửu Long... Việc khám xét các cơ sở khám, chữa bệnh là để điều tra dấu hiệu mua bán các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến khám, chữa bệnh như: giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án...

BHXH Việt Nam cho biết, theo báo cáo của BHXH tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH đối với 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đúng quy định như: Người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam khẳng định cán bộ ngành hoàn toàn không liên quan đến đường dây mua, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Bảo vệ  4.200 người đóng bảo hiểm nhưng không có lương hưu

Thông tin thêm với báo chí về việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể ở nhiều địa phương, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Chính sách thực hiện bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, chủ hộ kinh doanh vẫn là người lao động.

Thời điểm đó, không có quy định nào của pháp luật bảo hiểm xã hội cho rằng họ không được đóng bảo hiểm. Hơn nữa, chủ hộ kinh doanh cá thể cũng có mong muốn chính đáng được tham gia vào lưới an sinh xã hội.

"Nếu nhìn nhận lại hơn 20 năm trước đây, cũng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể", ông Thọ nói.

Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, làm việc như những lao động thuê mướn. Theo ông Thọ, họ đã đóng bảo hiểm xã hội, cho nên cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng trên nguyên tắc đóng hưởng.

Sự kiện - Cấp khống giấy nghỉ ốm: Có sự thông đồng (Hình 2).

Cẩn "đặc biệt" bảo vệ  4.200 người đóng bảo hiểm nhưng không có lương hưu.

Ông Thọ lấy ví dụ về trường hợp Chính phủ đã ban hành Nghị quyết ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hơn 10.000 Xã đội phó, Phó trưởng công an xã, người lao động theo chế độ hợp đồng của xã.

Quay trở lại trường hợp hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải quyết quyền lợi của nhóm đối tượng này bằng cách ghi nhận quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin thêm: "Đã phê bình nghiêm khắc các Giám đốc Bảo hiểm xã hội địa phương thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm lao động này. Cực chẳng đã phải phê bình các giám đốc của mình".

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị đã hướng dẫn địa phương làm những gì pháp luật cho phép. Tuy nhiên, dù không có quy định, nhưng bảo hiểm xã hội các địa phương vẫn làm.

Ngoài đề xuất ghi nhận quá trình đóng của chủ hộ kinh doanh, ông Mạnh cho rằng cũng thống nhất đề xuất đưa nhóm lao động này thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/cap-khong-giay-nghi-om-co-su-thong-dong-a34356.html