Theo thống kê của hãng nghiên cứu Counterpoint Research, doanh số smartphone tại Việt Nam trong quý I giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm quý I tệ nhất từng được ghi nhận.
Ông Glen Gardoza, chuyên gia phân tích thị trường smartphone Đông Nam Á từ Counterpoint Research, nhận định một số lý do đến từ điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn và nhu cầu mua smartphone giảm.
Trong đó, Apple là thương hiệu duy nhất trong nhóm dẫn đầu có sự tăng trưởng. Động thái mở cửa hàng trực tuyến chính hãng của Táo khuyết cũng thu hút sự chú ý, được nhận định sẽ làm mới thị trường.
"Cửa hàng trực tuyến sẽ tác động tích cực đến doanh số kênh online của Apple. Tuy nhiên, Việt Nam là thị trường ưa chuộng mua hàng trực tiếp, do sản phẩm Apple thuộc phân khúc cao cấp nên khách hàng sẽ muốn xem và cầm trên tay thiết bị trước khi mua", ông Cardoza cho biết.
Phân khúc cao cấp đứng vững
Theo Counterpoint Research, các hãng điện thoại đã không đánh giá đúng nhu cầu thực tế, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn tại kênh bán hàng. Điều đó khiến nhà bán lẻ phải giảm giá sản phẩm để giải phóng hàng tồn.
"Với điều kiện kinh doanh kém, nhà bán lẻ phải thu hẹp kế hoạch mở rộng và đánh giá lại chiến lược kinh doanh của họ.
Các cửa hàng hoạt động trong ít giờ hơn, khiến thời gian làm việc và thu nhập của nhân viên sụt giảm. Lượng khách tại cửa hàng cũng khá thấp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1", ông Cardoza nhận định.
Theo số liệu được chia sẻ với Tri thức trực tuyến, những mẫu smartphone bán chạy nhất tại Việt Nam trong quý I là Samsung Galaxy A04, Oppo A17k, iPhone 14 Pro Max, iPhone 14 Pro và Xiaomi Redmi A1.
Về tình hình các hãng, Samsung dẫn đầu với thị phần 30%, tuy nhiên doanh số cũng giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần các hãng smartphone tại Việt Nam trong quý I. Ảnh: Counterpoint Research. |
Việc ra mắt điện thoại thuộc nhiều phân khúc khác nhau góp phần giúp Samsung giữ vững vị trí. Galaxy A04 là model có doanh số tốt nhất trong tầm giá dưới 200 USD. Công ty Hàn Quốc cũng chiếm 7/10 smartphone bán chạy trong khoảng giá 200-400 USD, đứng đầu là Galaxy A14 5G.
Xếp thứ 2 là Oppo với thị phần 17,6%. Oppo A17 và A17k chiếm 24% tổng doanh số smartphone của công ty tại Việt Nam trong quý I. Nhìn chung, phân khúc dưới 400 USD vẫn phổ biến nhất với tỷ trọng 71%.
Với thị phần 16,8%, Apple là hãng di động lớn thứ 3 tại Việt Nam trong quý I. Bất chấp nhu cầu với dòng iPhone 14 Pro dần hạ nhiệt, việc các chuỗi bán lẻ giảm giá khiến thiết bị vẫn duy trì sức hút.
Nhờ giá bán iPhone giảm, Apple là cái tên duy nhất ghi nhận doanh số smartphone trong quý I tăng so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 12%. Thị phần các model trên 600 USD tại Việt Nam cũng tăng từ 17% lên 24% sau một năm.
Mẫu iPhone 14 Pro Max được giảm giá khá nhiều ở các đại lý trong quý vừa qua, cho thấy cuộc đua về giá ở ngành bán lẻ smartphone. Ảnh: Phương Lâm. |
Trả lời Tri thức trực tuyến, ông Cardoza cho biết người dùng ở phân khúc cao cấp ít chịu tác động bởi điều kiện kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, nhiều smartphone giảm giá thuộc phân khúc cao góp phần khiến khoảng giá này trở nên phổ biến hơn.
Xiaomi và Vivo ghi nhận quý I khó khăn với doanh số giảm lần lượt 46% và 52% so với năm ngoái. Một trong những lý do đến từ phân khúc dưới 200 USD sụt giảm đến 38%, trong khi 2 hãng đều ra mắt nhiều model thuộc tầm giá này.
Chưa thể phục hồi sớm
Thị phần smartphone đến từ kênh bán hàng online trong quý I đạt 15%, giảm nhẹ so với mức 17% trong quý IV/2022. Lý do đến từ hoạt động khuyến mãi online giảm sau kỳ nghỉ Tết, sự cạnh tranh về giá của các cửa hàng offline với nhiều chương trình ưu đãi.
Vào giữa tháng 5, Apple gây chú ý khi mở cửa hàng online chính thức tại Việt Nam. Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, nhà phân tích Glen Cardoza nhận định điều đó chưa thể góp phần đẩy mạnh thị trường bán lẻ smartphone trực tuyến trong tương lai gần.
Cửa hàng online của Apple tại Việt Nam. Ảnh: Apple. |
Dự báo về thị trường smartphone tại Việt Nam trong quý II, chuyên gia của Counterpoint Research cho rằng tình hình khó khăn chưa thể được giải quyết sớm.
"Doanh số sụt giảm của thị trường chủ yếu đến từ phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung. Người dùng đang giữ điện thoại lâu hơn, và 2 quý tiếp theo sẽ tiếp tục khó khăn.
Để thu hút khách hàng trong thời gian này, các hãng điện thoại nên tận dụng dịp lễ nhằm tung ra chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá trên kênh bán hàng offline", ông Cardoza nói thêm.
Khi tình hình cải thiện vào cuối năm, thị trường sẽ hưởng lợi từ nhu cầu dồn nén đặc biệt trong phân khúc giá thấp, theo dự đoán của nhà phân tích.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/cua-hang-truc-tuyen-se-la-bai-thu-voi-apple-a34130.html