Đề xuất hàm đại tướng cho sĩ quan công an biệt phái làm Phó chủ tịch Quốc hội

Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị nghiên cứu, bổ sung một vị trí hàm đại tướng công an biệt phái, được Đảng phân công, Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội.

Tại phiên họp sáng 27/5, Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Ông cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí bổ sung 6 vị trí cấp tướng như trong dự thảo Luật. Việc bổ sung này không làm vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong Công an nhân dân do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.

Đề xuất hàm đại tướng cho sĩ quan công an biệt phái làm Phó chủ tịch Quốc hội - Ảnh 1.

Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh phát biểu sáng 27/5.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng nhất trí với quy định một sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng.

"Quy định này bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị, phân cấp chỉ huy trên dưới trong công an, phù hợp với tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở", ông Tới nhấn mạnh.

Đại diện Uỷ ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đề xuất bổ sung một vị trí hàm đại tướng biệt phái, được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội.

Với đề xuất bổ sung vị trí cấp bậc hàm thiếu tướng ở các Cục thuộc Bộ Công an, đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí, cho rằng nội dung phù hợp với thực tiễn tổ chức trong công an. Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy, nhất là hai vị trí Phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Trước đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội bổ sung 6 vị trí có hàm cao nhất là cấp tướng để đảm bảo yêu cầu thực tiễn và tổ chức hoạt động của Bộ Công an.

Cụ thể, hàm thượng tướng cho sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng gồm Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; hai vị trí Phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Theo đại tướng Tô Lâm, Luật Công an nhân dân hiện chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng gồm một đại tướng, 6 thượng tướng, 35 trung tướng và 157 thiếu tướng. Các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành Luật gặp khó khăn, vướng mắc.

Đề xuất hàm đại tướng cho sĩ quan công an biệt phái làm Phó chủ tịch Quốc hội - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội nghe họp nghị trường sáng 27/5.

Mặt khác, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới, ở Bộ không còn tổ chức đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương. Trong đó, hầu hết thủ trưởng đơn vị cấp cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng nhưng vẫn còn thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng.

"Việc này tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh", Bộ trưởng Công an cho hay.

Đối với chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Tô Lâm giải thích Bộ Công an có một thứ trưởng (theo quy định có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng) biệt phái được phê chuẩn chức vụ này. Theo quy định về hệ thống chức vụ của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tương đương chức vụ Bộ trưởng và được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, việc bổ sung quy định này là phù hợp.

Đối với năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, Bộ trưởng Công an cho rằng phù hợp quy định của Luật Công an nhân dân. Giám đốc các học viện An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; Giám đốc Học viện Quốc tế, hiệu trưởng các trường đại học: Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.

Ngoài ra, một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng vì theo Quy định số 30/2021 của Bộ Chính trị, chức danh Trợ lý, Thư ký thì Ủy viên Bộ Chính trị có hai Trợ lý. Trong khi đó, Luật Công an nhân dân quy định một trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng nên cần quy định hai trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cho thống nhất.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và thảo luận hội trường vào ngày 2/6; biểu quyết thông qua ngày 22/6.




Link nội dung: https://congnghedoisong.net/de-xuat-ham-dai-tuong-cho-si-quan-cong-an-biet-phai-lam-pho-chu-tich-quoc-hoi-a34014.html