Tán thành ban hành nghị quyết mới cho TP HCM

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Ngày 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là nghị quyết mới).

Cần thiết có chính sách vượt trội

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, góp phần xây dựng và phát triển thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và QH.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nội dung chính của dự thảo nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể. Đó là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tại các nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác; tại các dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình QH thời gian tới... Bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. 

"Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho TP phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả" - ông Dũng nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của QH Lê Quang Mạnh nêu rõ Ủy ban TC-NS tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết mới. "Qua tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, TP HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với TP HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước" - ông Mạnh nhấn mạnh.

Ông Mạnh cũng cho rằng hồ sơ dự thảo nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình QH tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định thì báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể về mặt tích cực, những thách thức, tác động không thuận khi triển khai; chi tiết hơn về kết quả đầu ra, nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, nguồn lực thực hiện.

Việc ban hành nghị quyết cần lưu ý nguyên tắc: Các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua nhưng tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm. 

"Chính sách mới cần mang tính đột phá, vượt trội theo đúng tinh thần Nghị quyết 24, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của QH về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng đồng thời cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí" - ông Mạnh lưu ý thêm.

Tán thành ban hành nghị quyết mới cho TP HCM - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Ảnh: TTXVN

Cần những chính sách thực sự đột phá

Góp ý dự thảo nghị quyết, đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban TC-NS, đánh giá hàng chục điểm mới trong dự thảo nghị quyết đều dựa trên thực tiễn của TP HCM, mang tính đặc thù, chưa có trong luật, khác với luật.

Ông Lâm nêu ví dụ một trong những điểm mới là quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội... Mô hình TOD làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị. Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông.

Từ các phân tích, ĐB Lâm đúc kết: "Những chính sách mới trong nghị quyết mới có thể nói là đột phá, mạnh dạn, phù hợp với hoàn cảnh của TP HCM, tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thí điểm những cơ chế, chính sách mới, từ đó đúc rút những kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách không chỉ cho TP HCM mà còn cho các địa phương khác trong cả nước nói chung".

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), TP HCM là địa phương đặc biệt, có đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm. Do vậy, lúc này rất cần một nơi thực sự năng động, có năng lực cụ thể hóa chủ trương này của Đảng.

"Hãy cho TP HCM được phép thực hiện cơ chế và chủ động triển khai các chính sách, biện pháp mà thành phố tin tưởng sẽ có hiệu quả, thúc đẩy tiềm năng riêng có của mình và chúng ta kiểm soát để bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách minh bạch, công khai với trách nhiệm giải trình rõ ràng" - ông Cường nêu ý kiến.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Ủy ban TC-NS của QH đề nghị Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, nên cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi TP HCM có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách; đồng thời rà soát các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. 

Bốn bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn

Sáng cùng ngày, QH hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, QH nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Theo chương trình dự kiến, hôm nay, 27-5, QH tiếp tục nghe đại diện Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2024; thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2024. QH sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 5, QH dành thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến diễn ra trong 2 ngày rưỡi, từ ngày 6 đến sáng 8-6. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ trưởng khác cũng sẽ "chia lửa" cùng 4 bộ trưởng để làm rõ các vấn đề liên quan.

. Đại biểu LÝ TIẾT HẠNH, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định:

TP HCM cần "tấm áo" rộng hơn để vươn mình

Tại dự thảo nghị quyết, các cơ chế, quyết sách không dừng ở mức thí điểm mà được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn để có thể giải quyết tốt hơn những vướng mắc lâu nay của TP về quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, cơ chế thu hút đầu tư, phân cấp phân quyền. Với những quy định đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước sẽ thực sự tạo động lực mới cho TP HCM phát triển, từ đó phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Thành phố đang rất cần "tấm áo" thể chế rộng hơn để có thể vươn mình lớn mạnh.

. Đại biểu PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH:

Mong mỏi của cử tri cả nước

Tôi cho rằng việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM không chỉ là mong mỏi của cử tri, nhân dân thành phố mà còn là của cử tri và người dân cả nước. Tôi tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết mới.

Một vấn đề tôi quan tâm là bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng trong dự thảo nghị quyết, cần chú trọng đến tốc độ triển khai nghị quyết, cách làm chi tiết, cụ thể hơn để giảm tối đa các văn bản hướng dẫn. Qua đó, đẩy nhanh quá trình tổ chức thực hiện, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống khi được thông qua.

Ngoài ra, TP HCM cần chú ý tới nguyên tắc "trọng tâm và trọng điểm"; trong đó, nguồn lực và cơ chế phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng giúp thúc đẩy phát triển TP. Chúng ta không nên quá dàn trải, bởi nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên kém hiệu quả. Đồng thời, TP HCM cần có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian ở trung tâm TP HCM.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tan-thanh-ban-hanh-nghi-quyet-moi-cho-tp-hcm-a33989.html