Là tỉnh lớn nhất Hàn Quốc với diện tích 19.029 km2, bờ biển dài 335 km, Gyeongsangbuk nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những giá trị văn hóa độc đáo và nền ẩm thực phong phú.
Thuộc Tiểu vùng Gyeongbuk, Gyeongsangbuk đang phát triển với tư cách một trung tâm văn hóa và du lịch toàn cầu mới, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa với ba nền văn hóa lớn cùng tồn tại, bao gồm văn hóa Phật giáo Silla, văn hóa Gaya, và văn hóa Nho giáo.
Để phục hồi du lịch toàn diện sau đại dịch Covid-19, năm 2023, Gyeongsangbuk đã khởi động một loạt các dự án để biến địa phương này trở thành “Thành phố du lịch toàn cầu”, với mục tiêu thu hút 3 triệu du khách quốc tế vào năm 2030 và dẫn dắt sự hồi sinh của nền kinh tế địa phương thông qua du lịch.
Năm ngoái, Gyeongsangbuk đã đạt được những kết quả đáng kể trong lĩnh vực du lịch khi đầu tư tổng cộng 107,9 tỷ Won vào các dự án phát triển du lịch đặc thù dựa trên kho tàng tài nguyên du lịch, văn hóa và lịch sử phong phú cũng như tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với sông, núi và biển, của tiểu vùng Gyeongbuk.
Lượng khách du lịch đến thăm Gyeongbuk năm 2022 là 40,38 triệu, tăng 30% so với con số 31,08 triệu của năm 2021, và tăng 41% so với con số 28,67 triệu của năm 2020, nhanh chóng đưa ngành du lịch của Gyeongsangbuk phục hồi về mức trước đại dịch.
Năm nay, Gyeongsangbuk sẽ đầu tư khoảng 95,2 tỷ Won vào các dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng địa phương, bao gồm các cơ sở lưu trú, các di sản được công nhận ở tầm quốc tế, các tuyến du lịch biển, các sân bay, từ đó phát triển hệ sinh thái du lịch và tạo bước tiến mới cho ngành du lịch Gyeongbuk.
Trong bối cảnh du lịch đảo đang phát triển mạnh mẽ và được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chọn là một trong những xu hướng du lịch hàng đầu của tương lai, Gyeongsangbuk có kế hoạch quảng bá du lịch tới đảo Ulleungdo và đảo Dokdo, hai hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi với môi trường tự nhiên thích hợp cho các hoạt động dã ngoại, leo núi.
Tại Andong, thành phố nằm ở phía Bắc tỉnh với làng cổ Hahoe – di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, một dự án nhằm phục hồi du lịch cơ sở cũng đã được triển khai từ năm 2020, với vốn đầu tư 14 tỷ Won, trong đó có 7 tỷ Won từ chính phủ.
Tiếp nối thành công của lễ hội cắm trại lớn nhất Hàn Quốc “Go Out Camp”, được tổ chức gần đây tại Công viên thể thao Nakdonggang ở Gumi, thu hút sự tham gia của 5,2 triệu du khách trên toàn quốc tới cắm trại, Gyeongsangbuk có kế hoạch nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là điểm đến du lịch cắm trại hàng đầu Hàn Quốc và dẫn đầu sự hồi sinh của ngành du lịch mới thông qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng khu cắm trại và chuẩn bị trước cho một hệ thống quản lý trong tỉnh.
Trong kỷ nguyên số, xây dựng và vận hành các nền tảng du lịch thông minh, ví dụ như Gyeongbuk e-Nuri, Gyeongbuk Tour Pass và History Gyeongbuk, cũng trở thành một xu hướng được Gyeongsangbuk thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các chính sách du lịch thông qua phân tích dữ liệu bán hàng và tiếp thị tích hợp trên các nền tảng.
Để hỗ trợ ngành du lịch đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kéo dài trong ba năm qua và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch, hoạt động cho vay thông qua quỹ xúc tiến du lịch cũng được Gyeongsangbuk tích cực thúc đẩy.
“Năm nay, khi du lịch quốc tế phục hồi, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để biến Gyeongsangbuk thành điểm đến của thế giới bằng cách phát triển các nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn chỉ có ở Gyeongbuk và phát triển du lịch Gyeongsangbuk để người dân có thể trải nghiệm và nâng cao chất lượng du lịch địa phương”, Tỉnh trưởng Gyeongsangbuk Lee Cheol-woo cho biết.
“Chúng tôi sẽ nâng cao vị thế của Gyeongbuk như một thành phố tiêu biểu cho ngành du lịch tại Hàn Quốc bằng cách xúc tiến các dự án khác nhau mà không gặp trở ngại nào”.
Minh Đức
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-tu-cau-chuyen-cua-nguoi-ban-phuong-xa-a33949.html