Tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu

Trên cương vị Chủ tịch COP26, nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận một số mục tiêu chính về ứng phó biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng đạt được một số mục tiêu về tài chính và cam kết

Với  khoảng 30.000 đại biểu, trong đó có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, bên cạnh đó, còn có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn, tổ chức phi chính phủ quốc tế, Hội nghị COP26 được kỳ vọng sẽ mở ra trang mới trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chính sách - Tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có chuyến công tác dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp từ ngày 31/10 - 5/11

Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính.

Về tài chính, mục tiêu đặt ra là huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển; đồng thời nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025.

Về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, cơ bản có thể xây dựng được hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris. Hơn nữa, Hội nghị được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần thiết theo đòi hỏi của khoa học để giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C.

Đồng thời, COP26 cũng là sự kiện nhằm khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng “0”; đạt tiến triển hướng tới Mục tiêu toàn cầu về thích ứng BĐKH. Đây cũng là dịp để các nước đạt đến sự nhất trí chung về nhiều nội dung khác như các khung thời gian chung cho các Đóng góp do quốc gia tự quyết định, chương trình làm việc mới về giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, sự tham gia và tiếp cận thông tin về khí hậu…

Chính sách - Tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu (Hình 2).

Anh huy vọng huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển

Theo đó, Hội nghị sẽ đàm phán, thảo luận xây dựng các quy định mang tính ràng buộc thực hiện theo quy định của Công ước, với 8 nội dung chính: Một, cơ chế thị trường và phi thị trường. Hai, minh bạch trong ứng phó với BĐKH. Ba, khung thời gian và mẫu báo cáo áp dụng chung. Bốn, thúc đẩy ứng phó với BĐKH: mục tiêu thích ứng toàn cầu; phương thức xác nhận nỗ lực thích ứng toàn cầu. Năm, khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng các chiến lược rủi ro do BĐKH. Sáu, nguồn lực cho ứng phó BĐKH. Bảy, đánh giá nỗ lực của các quốc gia: đánh giá mức độ thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển cho giai đoạn trước năm 2020. Tám, thúc đẩy các hành động khí hậu công bằng và bao trùm.

Sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay

COP26 - Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH, là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh BĐKH diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu. 

Bởi, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, với sự bùng nổ của thiên tai, COP đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2 độ C và nỗ lực để chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2 độ C).

Theo Báo cáo về khí hậu do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố ngày 25/10/2021 cho thấy, mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2020 và nhiều khả năng xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm 2021.

Qua đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng đã cảnh báo với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng. Tất cả điều này sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng.

Do vậy, bên cạnh việc đưa ra những mục tiêu và cam kết, Hội nghị cũng tổ chức các hoạt động theo chủ đề song song với các hoạt động đàm phán và có sự tham gia của các Lãnh đạo cấp cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học… nhằm trao đổi, chia sẻ, trình diễn, công bố các sáng kiến mới hoặc kế hoạch, hoạt động thực hiện các sáng kiến đã có. 

Từ đó, kết quả của các sự kiện này không mang tính ràng buộc mà chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, thúc đẩy hợp tác và đồng thuận đối với các vấn đề khó khăn trong đàm phán.

COP là hội nghị thường niên do Liên Hợp Quốc tổ chức để rà soát quá trình thực hiện Công ước và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước.

Do tác động của dịch COVID-19, Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đã bị hoãn 1 năm (từ tháng 11/2020 đến 11/2021). Hội nghị sẽ diễn ra tại Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11/2021.

COP26 sẽ tổ chức các hoạt động chủ đề về: Thúc đẩy đưa mức phát thải về “0”; Thích ứng để bảo vệ cộng đồng; Huy động tài chính cho ứng phó với BĐKH; Cùng nhau thực hiện Thoả thuận Paris.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tai-tro-100-ty-usd-moi-nam-cho-nuoc-dang-phat-trien-ung-pho-bien-doi-khi-hau-a3383.html