Đoàn công tác 435 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận

Đoàn công tác 435 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận.

Đoàn công tác 435 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính… trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Ngọc Tiến cho biết, quý I năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh Bình Thuận tăng trưởng tích cực ở cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,86%/3,32% so với bình quân chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch sôi động trở lại, lượng khách du lịch đạt hơn 2 triệu lượt khách, đạt 30,99% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 9.200 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 203 triệu USD (tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu ngân sách Nhà nước trong quý đạt 2.353 tỷ đồng.

Về tình hình đầu tư xây dựng, trong quý, tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng, các công trình trọng điểm, các công trình quan trọng, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh như: Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành. Tỉnh cũng dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Quý I năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 889/4.869 tỷ đồng, chiếm 18,3%.

Tại buổi làm việc, Bình Thuận đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, tăng thêm các gói hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh làm việc, hợp tác, mở rộng các thị trường nước ngoài so với các thị trường hiện hữu. Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng trong tiêu thụ sản phẩm, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư, do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trục đường ven biển trọng điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện - Đoàn công tác 435 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã đi vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ Quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Cho chủ trương hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với các trường hợp điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch titan được tiếp tục hoạt động khoáng sản tại khu vực Lương Sơn III. Cùng với đó, sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định; hướng dẫn việc chôn lấp tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp tro, xỉ, thạch cao không thể sử dụng, tái chế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao kết quả mà tỉnh Bình Thuận đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh. Theo đó, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, chuyển mình mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, Bình Thuận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển bền vững. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Công tác quy hoạch xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập. Liên kết vùng còn yếu. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có bước đột phá...

Sự kiện - Đoàn công tác 435 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Thắng đề nghị Bình Thuận cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước và của tỉnh với tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm nhiệm vụ thường xuyên, những vẫn đề tồn đọng và công việc phát sinh. Sớm xây dựng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, đặc biệt các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có lộ trình kế hoạch cụ thể, phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được giao.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng. Cụ thể, về tiêu dùng trong nước, tỉnh cần kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; về xuất khẩu cần tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; về đầu tư đẩy mạnh đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất hoặc quyết định theo thẩm quyền về cơ chế, chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Sự kiện - Đoàn công tác 435 của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận (Hình 3).

Du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.

Tỉnh cũng cần triển khai các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ…

Đắc Phú

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/doan-cong-tac-435-cua-chinh-phu-lam-viec-voi-ubnd-tinh-binh-thuan-a33677.html