Mấy hôm nay, dư luận xôn xao trên mạng việc một khách hàng ở Hà Nội lên mạng tố shipper giao đồ ăn cho mình đã gian dối vì tự ý làm tròn tiền hàng từ 139.000 đồng thành 140.000 đồng. Theo đó, nhiều diễn đàn đã đăng và chia sẻ chuyện 1 cô gái ở Gia Lâm (Hà Nội) đặt đồ ăn qua mạng và nhờ người xuống nhận đồ với số tiền ghi trên hóa đơn là 139.000 đồng. Nhưng khi shipper giao đồ đã tự ý làm tròn lên 140.000 đồng.
Sau khi biết sự việc, cô gái đã nhắn cho shiper: "anh ơi, em là người đặt kimbab hồi nãy và em có nhờ người nhà nhận đồ. Trên app báo em là 139k (139.000 đồng-PV) mà anh báo lại với nhà em là 140k. Em không tiếc gì 1k nhưng mà anh hãy báo với đúng giá trên app giúp em. Làm thế này shipper không thành thật với khách hàng". Nhận tin nhắn, shipper đã nhắn tin phản ứng lại: "Nói thật với em, em đúng kẹt xỉ thật. Lát xuống anh đưa cho 1k".
Hai bên đôi co qua lại, nam shipper nói rằng "xuống anh đưa hẳn 50k". Không đồng tình với việc không trung thực đã báo sai hóa đơn lại còn có thái độ với khách, sau đó cô gái đã báo bên Grap và shipper đã bị khóa tài khoản, mất việc. Sau sự việc, nam shipper tên Đ.H. thừa nhận mình là người trong cuộc và sự việc xảy ra vào đêm 14/5.
Sau đó, cư dân mạng đã “vào cuộc”, bức xúc chỉ vì 1.000 đồng mà nói cô gái hành xử quá đáng khiến anh shipper phải mất việc.
Thực ra, 1.000 đồng là quá bé ở thời điểm này và khó để mua được gì. Nhưng nếu không xét đến mặt giá trị, thì nó lại chính là thái độ trong công việc, cách hành xử của một người. Nói một cách công bằng, anh shipper chỉ được phép báo và nhận tiền đúng theo hóa đơn, không được tự ý báo sai, dù chỉ là 1 đồng. Vì thế không thể nghĩ 1.000 đồng quá bé nên anh shipper được phép tự ý làm tròn. Chưa kể, đó là còn là nguyên tắc nghề nghiệp trong công việc, thể hiện sự trung thực với khách hàng và với chính nơi anh ta làm việc.
Thực tế, không chỉ cô gái đó mà nhiều người lâu nay cũng ít nhiều mất lòng tin vào những người làm dịch vụ, nhất là ở một số tài xế taxi, xe ôm, xe công nghệ… Chuyện tài xế đi xe vòng vèo cốt tính nhiều cây số để thu được nhiều tiền của khách không phải chuyện hiếm, kể cả khi có đồng hồ đo km, vẫn xảy ra chuyện “chặt chém” khách, nhất là du khách ở nơi khác đến.
Cách đây ít lâu, một lái xế taxi bị tố lấy 420.000 đồng tiền cước taxi của 2 sinh viên người Nhật, trong khi đồng hồ chỉ hiển thị 42.000 đồng với đoạn đường từ một ngân hàng trên đường Trần Quang Khải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đến phố Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm). Sau khi công an vào cuộc điều tra, thì tài xế này phải trả lại tiền cho khách và bao biện là “khách xuống vội quá chưa kịp trả hết tiền”… Rồi trước đó, có khá nhiều vụ chặt chém du khách kiểu này, đến nỗi có lần người đứng đầu ngành du lịch phải đến tận chỗ khách ở để xin lỗi…
Thói quen xấu không chỉ xảy ra ở những người lái xe, những người kinh doanh ở các nơi, mà ngay ở Hà Nội cũng không hiếm. Nhiều người bán hàng theo kiểu “nhìn mặt hét giá”, khi khách không mua hàng thì chủ hàng lại tỏ thái độ khinh miệt, thậm chí chửi bới…
Quay lại câu chuyện anh shipper cũng vậy. Qua câu chuyện đôi co giữa hai bên, rõ ràng anh ta tự ý báo sai giá tiền nhưng tỏ thái độ và có những lời thách thức. Chắc chắn, cũng như nhiều khách hàng, cô gái kia sẽ không tiếc 1.000 đồng, thậm chí nhiều hơn nếu anh này nhận thấy việc làm của mình chưa đúng mực. Và chuyện khách hàng báo bên Grab quản lý anh shipper cũng không có gì sai khi nhân viên làm ăn không trung thực và còn thách thức khách hàng.
Lâu nay, nhiều chỗ, nhiều nơi và nhiều người hay có thói quen suy nghĩ, xử lý công việc “vì cái tình”. Chính thói quen đó, ở góc độ hẹp đang khiến sự ỉ lại, trây ì của nhiều người trong công việc vì luôn nghĩ rằng khi có lỗi sẽ được xử lý theo “cái tình” vì hoàn cảnh khó khăn hay làm sai là vì hoàn cảnh… Ở góc độ rộng hơn, trong một tổ chức, công ty hay một đất nước có nhiều người suy nghĩ theo kiểu như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển của tổ chức, công ty và đất nước.
Thế giới ngày càng văn minh và hội nhập, con người trong thế giới đó cũng ngày càng văn minh, làm việc tuân theo những quy định của tổ chức, tập thể. Không thể mãi tư duy theo kiểu “vì cái tình”, "một mình một sân" trong xu hướng hội nhập như vậy. Vì thế, việc “lấy cái tình” để ngụy biện cho cái sai, sự không trung thực của một ai đó nên sớm thay đổi. Có như thế, chúng ta mới tiệm cận được một xã hội công bằng và văn minh, mới hòa nhập được vào sự phát triển chung của thế giới.
Nếu có thể “lấy cái tình” để xử lý trong trường hợp cụ thể này thì hai bên có thể bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn, anh shipper nên hiểu hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm trong công việc để có sự chân thành khi biết mình hành xử chưa đúng mực. Nếu được như vậy, kết cục sẽ “có hậu” hơn hiện tại.
Dù có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng sự việc này chắc chắn cũng ít nhiều nhắc nhớ những người làm công việc tương tự có trách nhiệm hơn với công việc của mình. Và qua đó, cũng là lời nhắc để mọi người nhìn lại cách hành xử của mình, của con người với con người, không để sự việc đi quá khả năng kiểm soát./.