Lý Nguyên Vương không phải là cái tên được nhiều người nhớ đến nhưng lại là gương mặt quen thuộc trong rất nhiều phim truyền hình, phim chiếu mạng khi đảm nhận nhiều dạng vai từ chính diện tới phản diện, từ nhân viên văn phòng, anh chàng hiền lành tới dân anh chị…
Ngoài đời, Lý Nguyên Vương rất được đồng nghiệp yêu mến bởi tính cách vui vẻ, hòa đồng, dễ thương với mọi người và cả sự nhiệt tình, năng nổ của anh trong công việc.
Lý Nguyên Vương sinh ra và lớn lên tại Đồng Tháp. Học hết cấp 3, anh theo gia đình lên Sài Gòn ở tới giờ. Lý Nguyên Vương theo nghiệp gia đình làm kinh doanh buôn bán, năm 30 tuổi thì đột ngột rẽ sang làm nghệ thuật trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Lý Nguyên Vương từng làm trợ lý đạo diễn trước khi bước chân vào nghiệp diễn xuất. "Tôi bắt đầu đi diễn với những vai 5, 6 phân đoạn, 10 phân đoạn. Từ từ anh em thương nên cho nhiều phim, nhiều vai nặng ký hơn. Sau 17 năm làm nghề, tôi cũng đóng trên 50 phim rồi”, anh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Diễn viên Lý Nguyên Vương (ảnh trong bài do NVCC)
Quay “Điệp khúc phù sa”, tôi muốn đột quỵ luôn
- Ở tuổi 30, đàn ông thường chú trọng vào công danh sự nghiệp, gia đình nhưng tại sao lúc đó anh lại đột ngột chọn theo học nghệ thuật, đột ngột bước vào một con đường mới với quá nhiều điều mông lung như vậy?
Tôi mê nghệ thuật từ nhỏ nhưng bị nhát. Mãi đến lúc đó, tôi mới mạnh dạn đăng ký học lớp luyện thi để dạn sân khấu. Khi tôi quyết định theo học, gia đình không ủng hộ cũng không cản, để cho tôi muốn làm gì thì làm.
- 17 năm làm nghề, chưa từng được đóng vai chính, vậy anh có ấn tượng với vai nào không?
Bộ phim “Điệp khúc phù sa” do anh Hoàng Mập sản xuất, tôi được đóng vai thứ chính - ông Sáu Nên. Vai này rất nặng ký với tôi vì mình mới ngoài 40 tuổi mà đóng vai 67 tuổi trong khi anh Cao Minh Đạt lớn tuổi hơn thì lại đóng vai con tôi. Chưa kể, bi kịch cuộc đời ông Sáu Nên khủng khiếp lắm.
Từ lúc làm kịch bản, anh Hoàng Mập đã báo là tôi đóng vai Sáu Nên. Hoàng Mập nói: "Vai này nặng ký lắm, phải cỡ thầy Công Ninh, chú Việt Anh đóng mới ra vai được". Tôi nghe xong run quá, về nhà suy nghĩ hoài. Không nhận thì phụ lòng mà nhận thì sợ làm không được.
Đóng vai này, tôi mất 8, 9 tháng để nuôi râu và tóc dài xuống vai rồi bới củ tỏi trên đầu. Ngày quay thứ nhất, thứ hai chưa căng lắm nhưng tới ngày thứ ba, thứ tư là live show của tôi với gần 20 phân đoạn mỗi ngày, tôi áp lực khủng khiếp, muốn đột quỵ luôn.
Mỗi ngày ra hiện trường là đầu óc tôi trống rỗng vì căng quá. Vai ông Sáu Nên quá nhiều biến cố, đấu tranh tâm lý liên tục nên người lúc nào cũng bần thần. Gần tới ngày đóng máy, tôi bị đuối sức. Đang ngồi nói chuyện với Hoàng Mập thì choáng, ngã ra. Hoàng Mập hết hồn.
Thậm chí tới ngày đi phim mới là “Gió Ngược”, vừa nghe mọi người bảo “ông Sáu Nên kìa” là nhân vật lại ùa về, người tôi tự nhiên bần thần một cách kỳ cục lắm, chưa xả vai được.
Lý Nguyên Vương vai ông Sáu Nên phim "Điệp khúc phù sa" (ảnh trái) và Tài lé phim "Gió Ngược"
- Dù không phải là một cái tên nổi tiếng với khán giả nhưng nhắc tới Lý Nguyên Vương, tôi thấy anh em trong nghề rất thương mến anh?
Đối với tôi, hãng phim Hoàng Thần Tài giống như một gia đình. Mỗi lần tôi lên đoàn là mọi người vui lắm vì từ xưa tới giờ, tôi luôn sống vui vẻ, chia sẻ với mọi người.
Từ 5, 6 năm nay, cứ mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là lên mạng chọn hình ảnh đẹp nhất rồi ghi vào đó những câu chúc và gửi cho bạn bè.
Mọi người bảo “mày rảnh quá, không có việc làm hả” nhưng có tốn thời gian nhiêu đâu, chỉ khoảng có 15 phút đến nửa tiếng. Mỗi lần làm thế, tôi thấy trong người vui vẻ, sảng khoái lắm (cười).
17 năm làm nghề, cát-xê nhét hết "ống heo"
- Nhưng hình như anh còn được thương ở chỗ không quan trọng cát-xê, không quan trọng vai lớn vai nhỏ, ai mời cũng nhận?
Đoàn nào mời tôi cũng đi, không phân biệt vai lớn vai nhỏ, không quan tâm tiền nhiều tiền ít, cứ có vai là đi, ai đưa nhiêu cũng cầm bởi tôi quan niệm, cát-xê là lộc Tổ. Được lộc là hạnh phúc rồi. Chưa bao giờ tôi bị cảm giác, tiền cát-xê không đáng với công sức mình bỏ ra. Nhận tiền cát-xê là tôi vui lắm.
17 năm làm nghề, lộc Tổ, tôi đều bỏ vào "ống heo" hết. Tôi không xài mà để làm những điều ý nghĩa hơn. Ví dụ như làm MV ca nhạc. Hồi dịch bệnh, tôi lấy tiền đó làm MV ca nhạc “Miền Trung hoa sẽ nở” và được ghi vào kỷ lục Giuness vì có 150 ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Các nghệ sĩ không ai nhận một đồng nào nhưng sản xuất MV này cũng tốn của tôi mấy trăm triệu đồng. Tôi không thu lại một đồng nào từ Youtube. Tôi làm là để tặng cho người dân miền Trung.
Ngoài đóng phim, tôi vẫn kinh doanh trà và cà phê. Mọi sinh hoạt phí, tôi đều dùng từ nguồn tiền này. Mùa dịch, tôi toàn bỏ tiền túi ra để mua gà, gạo, rau củ rồi tự chở bằng xe máy đi cứu trợ bà con vùng dịch dù thời điểm đó, tôi chưa chích mũi vaccine nào. Có gì đó cứ hối thúc trong người mình phải đi vì mọi người khổ quá.
17 năm làm nghề, Lý Nguyên Vương đã đóng hơn 50 phim với nhiều dạng vai
- Ai làm nghệ thuật cũng muốn nổi tiếng còn anh 17 năm làm nghề, nhìn lại anh cảm thấy thế nào khi chỉ đóng những vai nhỏ, vai thứ chính?
Tôi hạnh phúc lắm vì mỗi bộ phim mình tham gia là một tác phẩm để đời. Tôi cảm ơn Tổ nghiệp hoài, đôi khi cực có, khổ có nhưng rất vui. Vai chính hay vai phụ thì mình cũng đều được trân trọng.
Với đoàn phim của Hoàng Mập, đó là gia đình nên rất vui. Ở đoàn phim khác, tôi thu mình lại tập trung xem kịch bản, học thoại để tới set quay thì ra diễn.
Đúng là làm nghề này, ai cũng muốn nổi tiếng nhưng riêng tôi chỉ cần được làm công việc này là vui, chứ không đặt nặng nổi tiếng hay không nổi tiếng.
Tôi đi chợ, cũng có nhiều người nhận ra mình. Có người thì nói “anh này nhìn quen quá”, có người nhận ra tôi đóng vai ông Hương Cả Tùng phim "Nghĩa nặng hơn tình"; Được xe ôm phim “Kẻ giấu mặt” hay Năm Ngao phim "Hoàng Hạc Lâu" và gọi tôi bằng những tên đó luôn. Tôi rất vui.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/dien-vien-ly-nguyen-vuong-17-nam-lam-nghe-cat-xe-nhet-het-ong-heo-a33413.html