Sáng nay (8/5), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba .
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Võ Văn Khoa cùng 4 thẩm phán khác. Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa là các kiểm sát viên Trần Anh Dũng và Trần Ngọc Đảm.
Phiên tòa phúc thẩm được mở vì bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên vào tháng 12/2022 có 15/23 bị cáo kháng cáo. Ngoài ra, 95 bị hại và 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng, bị cáo bị án sơ thẩm tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng. Theo bị cáo Luyện, trước thời điểm xét xử sơ thẩm, Công ty Alibaba vẫn có đất trả cho người mua. Luyện và công ty không gian dối thông tin cung cấp cho khách hàng…
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ của bị cáo Nguyễn Thái Luyện) kháng cáo, kêu oan cả 2 tội danh mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo này.
Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã tuyên 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Trong 20 bị cáo thuộc nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì Nguyễn Thái Luyện được xác định có vai trò cầm đầu, bị tuyên phạt án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba, em trai Luyện): 17 năm tù. 18 bị cáo cùng tội danh với Nguyễn Thái Luyện có mức án từ 10 - 19 năm tù…
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai bị án sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Cùng 2 tội danh với bị cáo Mai là Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em trai Luyện) bị tuyên phạt 27 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Rửa tiền” nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Án sơ thẩm cũng tuyên vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện phải bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại. Bản án yêu cầu tiếp tục kê biên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền mặt và các tài sản khác liên quan đến các bị cáo để đảm bảo thi hành án.