Điều kiện hưởng lương hưu thế nào?
8 hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan góp ý một số quy định trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, đang lấy ý kiến.
Góp ý về điều kiện hưởng lương hưu, các hiệp hội doanh nghiệp trên đề xuất, bổ sung quy định tại Điều 106 trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng: người lao động (NLĐ) được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH từ đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Các hiệp hội lý giải, thực tế đa số người lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH từ sớm, có thời gian đóng BHXH lâu, mức đóng cao. Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khoẻ giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm cao.
Nếu người lao động phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu (nữ 60 tuổi, nam 662 tuổi) sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng tạo cơ hội việc làm cho người trẻ. Người lao động chọn phương án nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% mức hưởng lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi.
Tám hiệp hội doanh nghiệp đồng kiến nghị cho phép NLĐ nghỉ hưu sớm, với nữ từ 55 tuổi, nam từ 60 tuổi.
Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, điều kiện về tuổi nghỉ hưu căn cứ theo lộ trình tăng của Bộ Luật Lao động năm 2019. Cụ thể, nữ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 tuổi lên 60 tuổi (mỗi năm thêm 4 tháng cho tới năm 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (mỗi năm thêm 3 tháng cho tới năm 2028).
Một số chuyên gia cho rằng, nếu đưa điều kiện nghỉ hưu trước tuổi như trên vào luật, NLĐ muốn nghỉ hưu trước tuổi sẽ bớt được thủ tục giám định sức khoẻ, và áp dụng chung tới tất cả NLĐ thay vì nghỉ hưu sớm chỉ áp dụng với lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH
Về mức đóng BHXH, các hiệp hội trên cho rằng, tỷ lệ đóng quỹ hưu trí và tử tuất vẫn giữ như quy định hiện hành là quá cao so với các nước trong khu vực (tổng 25% tiền lương, trong đó NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17% trên tiền lương tháng). Trong khi, tỷ lệ đóng vào quỹ này của các nước trong khu vực thấp hơn, như Malaysia là 13% trên lương, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%...
Về phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH đưa ra 2 phương án. Phương án 1, giữ theo quy định hiện hành (tiền lương tính đóng BHXH gồm tiền lương tháng, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể). Phương án 2, tiền lương tính đóng BHXH gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, các hỗ trợ ngoài công việc).
Các hiệp hội trên cho rằng, nếu chọn căn cứ tiền lương tính đóng BHXH theo phương án 1 sẽ bớt áp lực đóng cho NLĐ và doanh nghiệp, nhưng làm mất đi tính đồng bộ của chính sách; chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp; khoảng cách thu nhập và căn cứ đóng cũng như lương hưu của NLĐ sau này có cách biệt lớn.
Với phương án 2, về cơ bản đóng trên lương thực tế người lao động được nhận, nhưng với tỷ lệ đóng cao, sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp, người lao động có thể bị giảm thu nhập.
Từ phân tích trên, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh cả 2 phương án và giảm tỷ lệ tính đóng BHXH. Phương án thứ nhất, giảm tỷ lệ tính đóng BHXH với người lao động từ 8% xuống 5% mức lương, tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động giảm từ 17% xuống 15% mức lương (tổng mức đóng bằng 20% mức lương). Lương làm căn cứ đóng theo mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác như quy định hiện hành, tương đương 70% thu nhập thực tế của người lao động.
Hoặc giảm tỷ lệ đóng BHXH xuống bằng 16% mức lương (người lao động đóng 4%, người sử dụng lao động đóng 12% trên mức lương), nhưng cơ sở tiền lương tính đóng là thu nhập thực tế (trừ một số khoản không có tính chất lương). Phương án này sẽ đóng BHXH tính trên mức lương tương đương khoảng 90% thu nhập thực tế của người lao động.
Đi kèm với giảm tỷ lệ đóng BHXH, các hiệp hội cũng đề xuất có thể nghiên cứu giảm tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ mức 75% hiện hành (và dự thảo luật) xuống tương tự mức hưởng của nhiều nước trên thế giới. Dù giảm tỷ lệ hưởng lương hưu, nhưng cơ sở tiền lương tính đóng cao, nên mức lương hưu thực nhận của NLĐ sẽ cao hơn.
Các hiệp hội đưa ra những góp ý trên gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM.
Về chế độ BHXH một lần, các hiệp hội kiến nghị chọn phương án 2 trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Sau 12 tháng không nghỉ việc không đóng BHXH, thời gian đóng BHXH dưới 20 năm được hưởng BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần tối đa không quá 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng các chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh: người lao động được giải quyết BHXH một lần theo nguyện vọng, và được bảo lưu thời gian còn lại với mức hưởng được ghi rõ tại thời điểm BHXH một lần.