Sáng 5/5, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Đề nghị sớm bàn giao các ô đất trường học, bãi đỗ xe
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đề nghị các đại biểu Quốc hội và thành phố có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sớm bàn giao các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, bãi đỗ xe...
Cử tri xã Dương Xá, huyện Gia Lâm đề nghị một số nội dung trong việc lập tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có điều chỉnh các nội dung còn bất cập như: Huyện Gia Lâm hiện chỉ được quy hoạch 60% đất đô thị, nên không phù hợp với mục tiêu phát triển thành quận. ..
Đề nghị Quốc hội xem xét các quy định hiện hành của Luật Phòng cháy, chữa cháy so với thực tiễn đời sống để nghiên cứu điều chỉnh; vì hiện nay, theo quy định, hầu hết nhà hàng, karaoke không đáp ứng quy định đều phải tạm dừng hoạt động...
Trao đổi làm rõ thêm một số kiến nghị cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết đến nay, Tổng công ty HUD đã có văn bản bàn giao các ô đất quy hoạch cho thành phố. Quan điểm của thành phố là khi tiếp nhận, sẽ giao cho quận quản lý, sử dụng theo phân cấp. Khi đó, quận phải kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa. Đối với trường học, nếu không có nhà đầu tư thì mới sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với bãi đỗ xe, quận phải khuyến khích đầu tư bãi xe thông minh, cho phép xây dựng bãi đỗ xe cao tầng.
Đối với vấn đề xây dựng trường học, bãi đỗ xe trên diện tích đất của HUD quản lý, Hoàng Mai làm việc với HUD để đơn vị sớm bàn giao cho thành phố. Thành phố sẽ trả tiền đầu tư hạ tầng cho HUD.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, từ việc này, thành phố cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn; phải nêu rõ quan điểm, tạo điều kiện hết sức, nhưng có kỷ cương, kỷ luật. Chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước, mới cho xây nhà, bán nhà.
Về điều chỉnh quy hoạch chung liên quan đến huyện Gia Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nội dung này đã được đưa vào Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ).
Cơ sở karaoke đủ điều kiện thì cho hoạt động
Đối với kiến nghị liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, hiện nay tiêu chí tiêu chuẩn cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke còn hạn chế. Tuy nhiên, không quản lý được thì cấm là chưa đúng. Ông Dũng đề nghị, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho kiểm tra thật kỹ cơ sở karaoke chỗ nào được thì cho hoạt động.
Về đội quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, thành phố đã có kiến nghị với Chính phủ cho phép duy trì thí điểm đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành. Việc duy trì tổ chức và hoạt động của đội cũng đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thông tin về tình hình Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 50% diện tích đất, 60% số mộ cũng đã được di dời. Thành phố đang quyết tâm bàn giao từ 70% diện tích giải phóng mặt bằng trở lên và tiến hành khởi công trong tháng 6/2023.
“Thành phố đạt kết quả nhờ sự vào cuộc rất quyết liệt của cấp ủy, chính quyền quận, huyện có dự án đi qua; đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của người dân. Sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng trong tất cả các công việc. Thuận lòng dân đều sẽ làm được”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tổng số tiền giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội (58,6km) là khoảng 13.000 tỷ đồng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và 30m chiều ngang dự trữ làm đường sắt quốc gia.
“Tính ra, chi phí cho mỗi km đường Vành đai 4 vào khoảng hơn 360 tỷ đồng. Con số này không lớn nếu so với đầu tư cho đường Vành đai 2,5 (chỉ hơn 1km trên địa bàn quận Hoàng Mai mà chi phí hơn 2.500 tỷ đồng); đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục ( chỉ hơn 1km, chi phí hơn 7.600 tỷ đồng). Chúng ta làm sớm được ngày nào, làm đồng bộ thì tiết kiệm được rất lớn về kinh tế. Quan trọng hơn làm đồng bộ sẽ sớm ổn định đời sống nhân dân”, ông Đinh Tiến Dũng nói./.
Bí thư Thành uỷ cũng lưu ý, Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với 700.000 dân, trong khi diện tích nhỏ đường giao thông ùn tắc. Vì vậy, quận Hoàng Mai cần tập trung chỉ đạo đường Vành đai 2,5 đã khởi công đoạn Kim Đồng- Định Công và tiếp tục đoạn Định Công- Đầm Hồng nối ra Nguyễn Trãi, Tôn Thất Tùng để thoát ùn tắc cho khu vực Thanh Xuân./.