Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội đã tiến hành triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân, mục tiêu của chiến dịch là xóa bỏ việc lòng đường, hè phố bị người dân chiếm dụng trái phép.
Thời gian gần đây, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán… lại tiếp tục tái diễn làm cản trở giao thông và không gian đi bộ của người dân.
Trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè thường xuyên xảy ra, một số đoạn đường tại các cơ quan, tòa nhà ở Hà Nội... đã dựng nhiều kiểu rào chắn nhằm ngăn chặn các phương tiện, đặc biệt là ô tô leo lên.
Tại đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), phía trước cổng chùa Thiên Niên cũng xuất hiện các rào chắn. Được biết trước đây, vỉa hè khu vực này thường xuyên là nơi đỗ của xe máy và ô tô.
Đây là đoạn vỉa hè trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), nhiều khối rào chắn sơn đen được dựng nên.
Đoạn vỉa hè trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) cũng đã duy trì rào chắn nhiều năm nay, nhưng kiểu dáng khác với các loại rào chắn ở các con phố khác.
Tại đường Tố Hữu, nhiều hàng rào dọc vỉa hè được dựng lên nhằm ngăn chặn ô tô, xe máy đi lên vỉa hè hoặc dừng đỗ xe tại đây.
Tại tòa nhà 19 Tố Hữu (quận Thanh Xuân), BQL tòa nhà đã tiến hành dựng hàng rào chắn phía trước sảnh và xung quanh tòa nhà.
Thế nhưng vẫn xuất hiện tình trạng ô tô đỗ ngay phía trong hàng rào.
Những cục bê tông đổ trong các thùng sơn cũ được tận dụng làm cọc ngăn trên vỉa hè đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân).
Theo người dân sống ở đây cho biết, vào giờ cao điểm mọi người thường đi lên vỉa hè, gây ảnh hưởng tới tòa nhà cũng như hư hỏng về phần gạch lát đường.
Dùng khối bê tông chặn ô tô, xe máy lên vỉa hè trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)
Một số người cho rằng, cách làm này chỉ là tạm thời để ngăn chặn người dân cũng như phương tiện dừng đỗ trên vỉa hè, về lâu dài cần biện pháp dài hơi hơn.
Mặt khác việc dựng rào chắn này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại người khuyết tật, trẻ nhỏ, người già./.