Đoàn làm việc kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn điện, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, an toàn đập – hồ chứa thủy điện.
Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết, đơn vị đảm nhiệm quản lý và vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất điện, đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác là cắt giảm lũ cho hạ du, cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho địa phương theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đối với mùa lũ, đơn vị tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ trên khu vực, xử lý kịp thời các điểm sạt lở đảm bảo giao thông phục vụ vận hành an toàn, ổn định các Nhà máy. Các tuyến đường giao thông vào Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 trong mùa lũ thường xảy ra sạt lở, gây ảnh hưởng đến việc giao thông liên lạc.
Từ đầu mùa cạn đến nay, nhiều thời điểm do nhu cầu phụ tải hệ thống điện nên các tổ máy bị huy động nhiều dẫn đến mực nước hồ suy giảm rất nhanh. Công ty kiến nghị EVN xem xét chỉ đạo để có giải pháp tính toán phương thức huy động, vận hành thời gian tới đảm bảo hài hoà giữa việc phát điện và đảm bảo nhiệm vụ cấp nước hạ du theo quy định.
Trong khi đó, ông Trần Nam Trung, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho hay, trong quá trình quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, công ty luôn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Công ty thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn lao động tại các vị trí sản xuất, chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành các quy định, quy trình kỹ thuật.
Đơn vị này đã hoàn thành việc lắp đặt các camera giám sát vận hành phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Hình ảnh, dữ liệu giám sát được truyền trực tiếp cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.
Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 hiện đang được quan trắc 7 thông số với 295 thiết bị. Công tác quan trắc được thực hiện thường xuyên, liên tục từ năm 2012 đến chu kỳ quan trắc gần nhất vào ngày 13/4/2023. Qua phân tích, đánh giá số liệu cho thấy, đập đang làm việc ở trạng thái bình thường, ổn định và an toàn…
Ông Đinh Thế Phúc, thành viên HĐTV EVN nhận định, Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 nằm ở vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ, nhưng Công ty Thủy điện Sông Bung đã nỗ lực vận hành hai nhà máy đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động, giảm thiểu tối đa rủi ro, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hai nhà máy, ông Đinh Thế Phúc cũng đề nghị công ty rà soát lại quy trình vận hành, các chế độ báo cáo; thực hiện nghiêm kỷ luật vận hành; chú trọng hơn nữa công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; khẩn trương xử lý những tồn tại, khiếm khuyết.
Đối với Công ty Thủy điện Sông Tranh, ông Phúc đề nghị cần chủ động, hoàn thiện các phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phù hợp đặc thù thực tế của đơn vị, bố trí nguồn lực hợp lý đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, đánh giá các điểm nguy sơ sạt lở để có giải pháp khắc phục…
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/kiem-tra-cong-tac-an-toan-nhieu-thuy-dien-o-quang-nam-a32776.html