Arm sẽ tham gia vào thị trường chip, cạnh tranh với Qualcomm, MediaTek. Ảnh: Reuters. |
Theo FT, Arm đang phát triển chip của riêng mình. Công ty có trụ sở tại Anh mở rộng danh mục kinh doanh với nhiều mục đích. Trong đó, việc Softbank cần tăng lợi nhuận và thu hút nhà đầu tư là nguyên nhân chính. Công ty này dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu lần đầu trên sàn Nasdaq vào cuối năm.
Điều này có thể sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các đối tác đang mua kiến trúc chip, được thiết kế sẵn bởi Arm.
Arm “quay xe”
Arm vốn được biết đến là công ty chuyên tạo ra bản vẽ vi xử lý. Công nghệ của họ được sử dụng bởi các đối tác lớn trên toàn cầu như Qualcomm, Samsung, MediaTek, Huawei, Apple. Tuy nhiên theo các thông tin rò rỉ gần đây, công ty có trụ sở ở Cambridge đang tìm cách tiếp cận với một thị trường rộng hơn.
Trước đây, Arm chỉ bán kiến trúc, không tham gia vào quá trình sản xuất. Ảnh: FT. |
Arm đã kết hợp với Samsung, TSMC để chế tạo bản mẫu một số chip. Chúng vốn chỉ được dùng cho lập trình viên thử nghiệm phần mềm, làm quen kiến trúc mới. Gần đây, một nguyên mẫu của họ bắt đầu được giới thiệu, với hiệu suất rất tốt.
Arm đang xây dựng một đội ngũ lớn hơn, tập trung vào chế tạo vi xử lý, thay vì chỉ phát triển phần mềm.
Ông Kevork Kechichian vừa gia nhập Arm, vốn là người có nhiều năm làm việc tại các công ty chế tạo chip như NXP Semiconductors và Qualcomm. Người này từng đảm nhiệm vị trí giám sát quá trình phát triển Snapdragon, dòng vi xử lý tạo nên tên tuổi của Qualcomm.
Công ty có trụ sở tại Anh đang phát triển chip cho di động, laptop cùng nhiều thiết bị điện tử khác. Các yếu tố được chú trọng gồm hiệu suất và tính năng bảo mật của linh kiện.
Từ khi được tiếp quản bởi Softbank, Arm có nhiều thay đổi trong hoạt động thương mại. Công ty này tăng giá bán cho các kiến trúc chip được cung cấp. Đồng thời, họ tính tiền tác quyền với nhà sản xuất thiết bị thay vì đơn vị gia công như trước đó.
Xung đột lợi ích với đối tác
Trong nhiều năm, Arm đóng vai trò trung lập trên toàn ngành. Họ bán kiến trúc nhân xử lý cho tất cả nhà sản xuất di động. Đồng thời, việc không tham gia vào gia công giúp công ty này tránh cạnh tranh trực tiếp với đối tác.
Mô hình trung lập của Arm giúp họ hiện diện trên hơn 95% điện thoại thông minh được bán ra. Qualcomm, MediaTek, Samsung, Apple đều là bạn hàng lâu năm của tổ chức này. Việc tham gia vào quá trình sản xuất có thể khiến mối quan hệ giữa những công ty nói trên rạn nứt.
Từ khi được mua lại bởi Softbank, chiến lược kinh doanh của Arm có nhiều thay đổi. Ảnh: Reuter. |
Trong bản báo cáo thường niên mới được công bố, Arm thừa nhận sự phụ thuộc vào số ít khách hàng lớn. 20 đối tác đầu bảng hiện chiếm 86% doanh thu trong năm 2022.
Nếu các bạn hàng lâu năm rời đi, sự ổn định về doanh thu của công ty bán dẫn sẽ bị tác động nghiêm trọng. Gần đây, Arm vướng vào những tranh chấp với Qualcomm, một trong những đối tác lớn nhất của họ. Nhà sản xuất Mỹ bị tố dùng bản thiết kế mà không có giấy phép của Arm.
Ngoài ra, hiện có sự chênh lệch lớn giữa sức mạnh của những dòng chip Arm của Apple so với phần còn lại. Do đó, các đối thủ khác như MediaTek, Qualcomm tỏ ra không hài lòng với phía cung cấp kiến trúc.
“Google nghĩ họ có thể khởi chạy bản Android tốt nhất nên tạo ra Pixel. Microsoft tin mình là bậc thầy Windows nên làm máy Surface. Vì vậy, dễ hiểu khi Arm muốn làm con chip tốt nhất, trên chính kiến trúc mình thiết kế”, Brady Wang, chuyên gia nghiên cứu mảng bán dẫn của Counterpoint Research, cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phát triển, chế tạo vi xử lý đòi hỏi nhiều vốn và có nhiều khó khăn hơn hẳn bước thiết kế.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/buoc-di-thay-doi-nganh-chip-a32766.html