'Khởi nghiệp trả thù' ở Thung lũng Silicon

Làn sóng sa thải thúc đẩy nhiều tài năng công nghệ khởi nghiệp "để trả thù" dù dòng tiền rót vào lĩnh vực startup đang chạm đáy.

Thống kê của trang theo dõi nhân sự Layoffs tại Mỹ cho thấy, chỉ một năm qua, 330.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải, trong đó 168.000 người mất việc đầu năm nay. Đa số công ty cắt giảm quy mô lớn là các tập đoàn công nghệ ở Thung lũng Silicon. Sau cú sốc, nhiều tài năng công nghệ đang dấn thân vào con đường kinh doanh.

Đòn bẩy khởi nghiệp

Theo các nhà đầu tư, tài năng bước ra từ các công ty công nghệ rất phù hợp để làm startup. Họ có kỹ năng cao, nguồn tài chính tích lũy tương đối sau thời gian dài làm ở tập đoàn lớn và đặc biệt là có động lực "khởi nghiệp trả thù" sau khi bị sa thải đột ngột, không rõ lý do.

Jen Zhu, đồng sáng lập startup y tế Maida Health, nói: "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm một cách kỳ lạ, không còn lý do gì để không theo đuổi tham vọng kinh doanh". Công ty của cô được rót vốn 100.000 USD và đang tìm cách tạo doanh thu sớm, tạo lợi nhuận, thu hút nhà đầu tư mới.

Sarah Porter, đồng sáng lập MedDefend, cho biết việc bị sa thải đã thôi thúc cô đối đầu với thực tế là thị trường mạo hiểm đang thu hẹp. Công ty đã gia nhập một mạng lưới chuyên tư vấn cho startup về huy động vốn, mở rộng kinh doanh nhằm gia tăng cơ hội thành công.

Sarah Porter, đồng sáng lập MedDefend. Ảnh: MedDefend

Sarah Porter, đồng sáng lập MedDefend. Ảnh: MedDefend

Sau khi Google cắt giảm 6% nhân viên, Jason Calacanis, một nhà đầu tư thiên thần, viết trên Twitter: "Bạn đã không còn gì để mất. Hãy dùng gói trợ cấp mất việc khổng lồ để khởi nghiệp trả thù".

Meghna Virick, Phó hiệu trưởng Đại học bang San Jose (Mỹ), nhận định việc sa thải có thể là động lực khiến các nhân viên thành lập công ty riêng do vấp phải cú sốc mất bất ngờ.

Hành trình mạo hiểm

Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là bài toán dễ dàng. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, việc thu hút vốn đầu tư là một thực tế khó nhằn. Các báo cáo chỉ ra, dòng tiền chảy vào startup đang thấp kỷ lục.

Trong quý IV/2022, các khoản đầu tư mạo hiểm cho startup ở Mỹ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo PitchBook, chỉ có 3,1 tỷ USD đổ vào qua 829 giao dịch, đánh dấu mức đầu tư thấp nhất quý kể từ 2016.

Tháng trước, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm dừng gói tài trợ startup khi ngân hàng Silicon Valley sụp đổ. Một số cũng cảnh giác vì thị trường đang "không có gì làm". Tổng khối lượng và số lượng đầu tư vào startup đều giảm trong ba tháng đầu năm.

Wesley Chan, đồng sáng lập FPV Capital, cho biết công ty của ông đang nhận được lời mời chào từ nhiều startup. Ông nói: "Chúng tôi luôn khuyến khích họ theo đuổi ý tưởng nhưng chúng tôi không có khả năng tài trợ tất cả. Hãy nhìn các startup có lợi nhuận vượt trội, họ đã phải dành cả cuộc đời để suy nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp chứ không phải ngày một ngày hai".

Tuy nhiên, vẫn có những nhà đầu tư hào hứng với startup mới. Họ cho rằng suy thoái càng mạnh, khả năng bứt phá của "ngựa ô khởi nghiệp" càng lớn. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn hóa tái sinh của Thung lũng Silicon.

Trong thời kỳ thị trường công nghệ đang bùng nổ, Masha Bucher, nhà sáng lập Day One Ventures, cho biết cô mong tìm kiếm startup từ những nhân viên công nghệ bị sa thải. Năm ngoái, Masha Bucher đã khởi động chương trình Funded, chọn ra 7 startup trong số 1.200 doanh nghiệp mới và đầu tư 100.000 USD mỗi công ty.

]Masha Bucher, nhà sáng lập của Day One Ventures. Ảnh: Cryill Matter

]Masha Bucher, nhà sáng lập của Day One Ventures. Ảnh: Cryill Matter

Trong hành trình khởi nghiệp đó, Bucher cũng chứng kiến một số "chiến binh" bỏ cuộc do không thể thích ứng với áp lực điều hành công ty. Đây cũng là điều cô hoài nghi về làn sóng doanh nhân này.

Ở chiều tích cực hơn, bất chấp suy thoái, một số startup đang thành công trong việc huy động vốn nhanh chóng. Teddy Ni và Alex Danilowicz, đồng sáng lập Mirrorful chuyên về phần mềm, đã huy động 500.000 USD từ Y Combinator, công ty tăng tốc khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

Năm nay Teddy Ni 26 tuổi, từng là kỹ sư phần mềm tại Robinhood Markets. Anh ấp ủ thành lập công ty từ khi học đại học nhưng trì hoãn bởi nhận thấy công việc của mình ổn định và định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi bị sa thải, anh rút ra nhiều bài học, trong đó có việc quản lý tốt nguồn tài chính.

"Hy vọng chúng tôi sẽ không lặp lại sai lầm đó trong hành trình khởi nghiệp của mình", Ni nói.

Huế Nguyễn (theo WSJ)

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/khoi-nghiep-tra-thu-o-thung-lung-silicon-a32755.html