Nhiều khách hàng muốn hủy gói "Tâm an đầu tư"

Liên quan gói Tâm an đầu tư của Manulife Việt Nam được phân phối qua đối tác SCB, nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn

Liên quan đến việc Công an TP HCM vừa tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo, phản ánh về việc bị "hô biến" từ tiền gửi tiết kiệm Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) sang bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Manulife, đại diện Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này trước đó cũng nhận được đơn thư về việc này. Cục Quản lý, giám sát BH đã phân loại và chuyển đơn sang cơ quan điều tra Bộ Công an để làm rõ theo quy định.

Thêm 112 bộ hồ sơ tố cáo

Liên quan đến việc gửi tiết kiệm tại SCB thành mua BH Manulife, nhiều khách hàng đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Người Lao Động.

Một khách hàng tên Khanh (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết tháng 3-2021, chị đến SCB Chi nhánh Thống Nhất gửi tiết kiệm và được một nhân viên NH tư vấn sản phẩm liên kết giữa SCB và Công ty BH Manulife với lãi suất cao hơn các sản phẩm hiện có. "Tôi chỉ muốn gửi tiết kiệm nhưng nhân viên NH khẳng định đây không phải sản phẩm BHNT mà là BH đầu tư sinh lời với lãi suất cao. Tin tưởng nhân viên NH, tôi gửi 100 triệu đồng và lần tiếp sau đó là 180 triệu đồng với cam kết từ nhân viên là được hưởng lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm" - chị Khanh kể. Đến tháng 11-2022, chị có nhu cầu rút tiền từ các khoản đầu tư này và đến SCB liên hệ thì nhân viên NH gọi cho nhân viên Manulife mới biết 2 khoản BH liên kết đầu tư của chị, một khoản chỉ còn rút được 10 triệu đồng và 1 khoản được rút 135 triệu đồng (thay vì tổng cộng 280 triệu đồng và lãi suất như lời hứa ban đầu). "Nó hoàn toàn khác với những lời tư vấn lúc ban đầu. Tôi thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo nên làm đơn khiếu nại" - chị Khanh búc xúc.

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị Phụng, ngụ TP Thủ Đức, cho biết tháng 6-2021, chị đến một chi nhánh SCB gửi tiết kiệm và cũng được tư vấn mua sản phẩm BH Manulife với sản phẩm liên kết đầu tư "Tâm an đầu tư", mức phí đóng 100 triệu đồng cố định và 150 triệu đồng linh hoạt. Hơn 1 năm sau, chị không thấy lãi đầu tư chuyển về, liên lạc với SCB thì được biết phía Manulife chỉ có thể hoàn cho chị 124 triệu đồng, còn 100 triệu đồng có nguy cơ mất trắng vì phải duy trì đóng trong 7 năm tiếp theo với số tiền 97 triệu đồng/năm. "Tôi đến SCB và Manulife khiếu nại đều bị từ chối giải quyết" - chị Phụng ấm ức.

Bà Phương Uyên ở TP Thủ Đức, TP HCM cũng đã có đơn tố cáo về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB bị biến thành mua BHNT của Manulife. Trước đó, bà Uyên đã gửi tiết kiệm 200 triệu đồng, đến tháng 8-2020, bà đến Chi nhánh Bến Thành, Phòng Giao dịch Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) để đáo hạn. Tại đây, nhân viên tư vấn gói tiết kiệm ưu đãi "Tâm an đầu tư" với lãi suất cao. Với số tiền gửi vào sẽ chia thành 2 tài khoản cố định và linh hoạt, thời hạn hợp đồng 7 năm. Theo đó, năm thứ 2 đã sinh lợi nhuận và có thể rút ra đến 70% số tiền đã đầu tư vào, đến năm thứ 4 có thể rút ra hết số tiền đã đầu tư. Nhân viên tư vấn không cho bà biết đây là hợp đồng BHNT.

Đến tháng 8-2022, liên hệ với nhân viên NH thì nhân viên này đã nghỉ việc, một nhân viên Manulife thông báo số tiền hơn 400 triệu đồng của bà Uyên được chia làm 2: phần đóng BHNT và phần ủy thác đầu tư cổ phiếu nên khách hàng cũng không được rút tiền. Nhân viên này cũng thông báo cho bà là hợp đồng BHNT với mức đóng mỗi năm là 100,8 triệu đồng, một con số quá lớn với thu nhập của gia đình. Khiếu nại đến văn phòng Manulife về việc bị lừa dối trong việc giao kết hợp đồng, bà yêu cầu Manulife xem xét hủy hợp đồng, hoàn trả lại số tiền đã đóng. Manulife có văn bản trả lời không có cơ sở để hoàn lại phí BH đã đóng do đã quá thời hạn cân nhắc. Khiếu nại đến SCB, Chi nhánh Bến Thành, Phòng Giao dịch Nguyễn Duy Trinh, bà Uyên nhận được văn bản của SCB ngày 23-2-2023, trả lời vụ việc thuộc về trách nhiệm của Manulife.

Chưa hết bức xúc, ngày 30-3, bà Uyên nhận được email của Manulife về việc "thông báo khấu trừ tự động từ giá trị tài khoản để đóng phí BH", cụ thể là Manulife đã tự động trích từ tiền đầu tư linh hoạt mà bà Uyên đã đóng trong 2 năm qua để chuyển sang đóng phí BH cho hợp đồng.

Chị Phạm Lại Thiên Kim, ngụ quận 10, TP HCM, cho biết cũng đã gửi tiền tiết kiệm tại SCB và bị lừa thành gói "Tâm an đầu tư". Theo chị Kim, có rất nhiều người cũng bị lừa giống chị nên họ thành lập nhóm với danh sách lên đến 328 người ở nhiều tỉnh, thành với số tiền lên đến 61 tỉ đồng. Chị Kim cũng xác nhận sáng 20-4 sẽ có khoảng 50 người đại diện cho 112 bộ hồ sơ của những nạn nhân ở TP HCM gửi đến Công an TP HCM để tố cáo vụ việc trên.

Nhiều khách hàng muốn hủy gói Tâm an đầu tư - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng tố gửi tiết kiệm tại SCB thành mua bảo hiểm nhân thọ sản phẩm “Tâm an đầu tư” của Manulife Ảnh: Bình An

Rà soát quy trình bán sản phẩm

Liên quan đến việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh BH, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp BH tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý BH đối với các NH, không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua BH dưới mọi hình thức.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tài liệu về giới thiệu sản phẩm BH phải rõ ràng, chi tiết, thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm BH không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng. Cùng với đó, cần siết chặt và có biện pháp giám sát chất lượng tư vấn BH. Theo Bộ Tài chính, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp BH, môi giới BH để ngăn ngừa tình trạng giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái quy định pháp luật. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát BH yêu cầu các doanh nghiệp BHNT rà soát quy trình bán các sản phẩm, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ BHNT cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp BH cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng BH.

Cục Quản lý, giám sát BH cũng được giao xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng BH. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng của khách hàng khi tham gia BH.

Đại diện Manulife Việt Nam cũng cho hay đã ghi nhận tình hình liên quan đến việc một số khách hàng không hài lòng với trải nghiệm khi tham gia sản phẩm BH "Tâm an đầu tư" của công ty được phân phối thông qua đối tác SCB nên đã yêu cầu hủy hợp đồng BH trước hạn. Công ty cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng BH mà khách hàng đã ký kết với công ty. 

Vi phạm nguyên tắc tự nguyện về kinh doanh BH

Theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây, cơ quan này liên tục yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh BH; tăng cường vai trò quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Tài chính nhấn mạnh có hiện tượng ép khách hàng mua BH khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn sản phẩm BH với sản phẩm NH. Bộ Tài chính khẳng định hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong quy định về kinh doanh BH.

Cần quy định trách nhiệm của tư vấn viên

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng chất lượng tư vấn viên là một vấn đề của thị trường BHNT ở Việt Nam, bao gồm cả mảng bán BH qua kênh NH. Bởi nhân viên tư vấn sai nhưng không thấy trách nhiệm của họ sau khi khách hàng ký hợp đồng với công ty BH? NH Nhà nước và Bộ Tài chính cũng cần có quy định rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp nhân viên tư vấn sai hoặc cố tình mập mờ. Với hợp đồng BH cả trăm trang và do phía công ty BH soạn thì người mua thường ở phía bất lợi. "Tất cả cuộc tư vấn mua BHNT cần được ghi âm để làm cơ sở giải quyết tranh chấp phát sinh sau này. Cần thêm các quy định của cơ quan quản lý để người mua BH được bảo vệ quyền lợi rõ ràng và để thị trường BHNT phát triển lành mạnh, đúng nghĩa bảo vệ" - TS Nguyễn Hữu Huân nói.


Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhieu-khach-hang-muon-huy-goi-tam-an-dau-tu-a32362.html