Cơ hội truyền tải thông điệp thương hiệu nông nghiệp Việt ra thế giới

Việc đăng cai hội nghị toàn cầu lần thứ 4 giúp Việt Nam truyền tải thông điệp ra quốc tế là “nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Tại họp báo Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức từ ngày 24-27/4/2023 tại Hà Nội với chủ đề "Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới".

Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.

Sự kiện - Cơ hội truyền tải thông điệp thương hiệu nông nghiệp Việt ra thế giới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Bên cạnh 9 phiên họp chính thức của hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị còn 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời. Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trong việc đối thoại cấp quốc gia về hệ thống lương thực thực phẩm, an toàn thực phẩm, cũng như các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống lương thực thực phẩm.

Theo Thứ trưởng, việc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4, giúp Việt Nam có thêm động lực để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, hội nghị sẽ xem xét các rào cản, khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động, tập trung vào 4 nhóm vấn đề.

Bao gồm: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. 

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Sự kiện - Cơ hội truyền tải thông điệp thương hiệu nông nghiệp Việt ra thế giới (Hình 2).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.

Kế hoạch hành động đề cập tới hợp tác đa ngành, đa cấp và đưa ra các nhiệm vụ, hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.

Việc đăng cai hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi.

Trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề hỗ trợ Việt Nam trong cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, là một quốc gia xuất khẩu lớn trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, Việt Nam đã đảm đương trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho cả trong và ngoài nước.

Trong ngoại giao ngành nông nghiệp, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực trong khu vực, trên toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu. Trong 2 vấn đề lớn đó, Việt Nam luôn là thành viên tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao.

Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế. Điển hình như những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo việc xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của các tổ chức châu Âu hay tổ chức quốc tế khác.

Sự kiện - Cơ hội truyền tải thông điệp thương hiệu nông nghiệp Việt ra thế giới (Hình 3).

Toàn cảnh họp báo.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, vấn đề lương thực toàn cầu hiện không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”. 

Theo Thứ trưởng, rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến điều này và đã có nhiều cam kết giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Việc này trước hết giúp ích cho nước ta, sau đó là giúp ích chung cho người dân toàn thế giới.

Thế giới hiện trải qua khủng hoảng lương thực mới chính vì vậy hội nghị này diễn ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam với tư cách là nước đăng cai, kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ EU về việc xuất khẩu cà phê nhưng không làm giảm suy thoái rừng.

Về vấn đề cụ thể là xuất khẩu gạo, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường gạo, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi thông qua các cuộc gặp song phương. 

Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT còn muốn truyền tải thông điệp của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/co-hoi-truyen-tai-thong-diep-thuong-hieu-nong-nghiep-viet-ra-the-gioi-a32302.html