Chỉ cần gõ từ khóa “Tuyển mẫu nhí”, “Chụp ảnh tài năng nhí”, "Casting người mẫu nhí/diễn viên nhí"... hàng loạt các quảng cáo xuất hiện với đầy đủ thông tin tuyển dụng, thủ tục đăng ký cho các em nhỏ với mong muốn làm người mẫu cho một số sự kiện giải trí, chương trình truyền hình.
Chiêu trò của các trang Fanpage này đa số đều đặt tên gắn với các thương hiệu thời trang nổi tiếng hoặc các kênh truyền hình uy tín. Vì vậy đã có không ít phụ huynh tin tưởng làm theo nhưng yêu cầu mà các đổi tượng này đưa ra rồi ngỡ ngàng khi mình trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo.
Vạch trần chiêu trò lừa đảo "tuyển mẫu nhí". Clip: Kingpro
Trong vai một phụ huynh, chúng tôi đã nhắn tin cho một trang Fanpage có tên "Tuyển tài năng nhí 2023". Ngay lập tức được một người phụ nữ tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng của thương hiệu thời trang nổi tiếng tư vấn. Người này chia sẻ tiêu chí tham gia trở thành mẫu nhí của các bé là từ 2 - 15 tuổi có ứng dụng Zalo để nhắn tin trao đổi công việc, có thẻ ngân hàng để đăng ký và nhận lương.
Sau khi cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, các đối tượng này sẽ cho phụ huynh tham gia vào một nhóm kín. Bắt làm nhiệm vụ, xem sản phẩm, nộp tiền vào tài khoản để hưởng phần trăm hoa hồng. Nhưng nếu không đáp ứng được các nhu cầu hoặc số tiền tham gia nhiệm vụ đã lớn nên các phụ huynh không đồng ý thì ngay lập tức các đối tượng này khóa tài khoản liên lạc trước đó. Thậm chí có hành vi mắng chửi nạn nhân khi bị phát hiện.
“Để tham gia chương trình trở thành người mẫu của công ty thì bạn phải trải qua một vài thử thách Thử thách đầu tiên thường là mua hàng. Nhưng vì nhiệm vụ yêu cầu số tiền ngày càng lớn nên là mình không tham gia nữa thì lúc này các bạn nhân viên bắt đầu trách móc nào là ‘làm mất thời gian của mọi người’, ‘thực hiện nhiệm vụ không thành công’. Lúc này, những người này mới lộ rõ bản chất họ không phải là người của công ty thời trang, họ nhắn tin riêng chửi mình thậm tệ ‘lêu lêu đã bị lừa'", một phụ huynh từng tham gia ứng tuyển mẫu nhí cho con chia sẻ.
Tương tự khi tham gia một hội nhóm tuyển dụng mẫu nhí khác, các phụ huynh được một người tên B. tự nhận là tư vấn viên giới thiệu về nhóm, những đặc quyền khi tham gia và gửi những nội dung thử thách để nhận tiền.
Các tư vấn viên "lừa đảo" nhiệt tình bày cách thức làm nhiệm vụ
Tuy nhiên, những nhiệm vụ đưa ra lại không hề liên quan đến công việc mẫu nhí. Khi được hỏi về vấn đề này, người tư vấn viên lập tức đưa ra hàng loạt lợi ích hấp dẫn từ những nhiệm vụ này như để thể hiện sự gắn bó với công ty và nếu bé tham gia mẫu nhí sẽ có điểm tựa thương hiệu lớn.
Một số phụ huynh tinh ý phát hiện ra đây là chiêu trò lừa đảo được nhiều người cảnh báo gần đây thì đã lập tức nhắn tin từ chối, vạch trần chiêu trò thì ngay lập tức người tư vấn thoát khỏi nhóm chat và biến mất.
Vì sao dễ bị cuốn vào chiêu trò lừa đảo "tuyển mẫu nhí"?
Theo chia sẻ của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo rất biết đánh vào tâm lí. Các nhiệm vụ đưa ra dùng để dụ dỗ phụ huynh làm nhiệm vụ thường mang vỏ bọc tạo profile đẹp giúp cho các bé dễ được tuyển chọn hay góp phần quảng bá thương hiệu thời trang cho công ty. Với lý do các bé còn nhỏ, chưa thể thực hiện nhiệm vụ nên đối tượng dễ dàng lợi dụng và lấy tiền của cha mẹ một cách dễ dàng.
Các nhiệm vụ đưa ra theo dạng "mồi nhủ" khiến các cha mẹ dễ dàng bị đánh lừa. “Lúc đầu họ trả tiền và thanh toán rất nhanh nên mình càng làm càng bị cuốn vào. Khi mình mới chuyển tiền được 5 phút thì lập tức được trả tiền về ngay lập tức. Những nhiệm vụ thử thách lúc đầu có giá trị rất nhỏ, sau đó số tiền bỏ vào các nhiệm vụ tăng dần lên", một nạn nhân chia sẻ.
Thương hiệu thời trang Canifa cảnh báo về sự việc mạo danh thương hiệu để lừa đảo
Do có nhiều người bị lừa đã gọi điện, nhắn tin hỏi thương hiệu thời trang Canifa về việc tuyển mẫu nhí khiến công ty phải lên tiếng cảnh báo trên trang website, fanpage chính thức của công ty về việc nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh Canifa tuyển dụng người mẫu với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Canifa khẳng định, tất cả thông tin tuyển dụng của thương hiệu chỉ được đăng tải trên website chính thống của Canifa.
Theo lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra phòng PC02, có những nạn nhân bị lừa vài triệu đến hàng chục hàng trăm triệu đồng. Đây là cách thức mới mà các nghi can sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các nghi can này đánh vào tâm lý phụ huynh thường mong muốn những điều tốt nhất cho con để dẫn dụ phụ huynh là nhiệm vụ đăng ký làm mẫu nhí.