Cho thuê vị trí đặt bàn trải nghiệm là nguồn thu quan trọng với nhiều đại lý di động. Ảnh: Xuân Sang. |
Ngành hàng di động tại Việt Nam có tính đặc thù, phụ thuộc vào các kênh ngoại tuyến và các chuỗi bán lẻ lớn. Người dùng Việt ở phân khúc tầm trung và thấp có nhu cầu được cầm nắm, trải nghiệm, tư vấn trước khi chọn mua thiết bị. Do đó, bàn trải nghiệm, nhân viên tư vấn của hãng là thành tố quan trọng giúp gia tăng doanh số.
Thực tế, các bàn trưng bày sản phẩm smartphone Android mà người dùng dễ dàng nhìn thấy tại các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động hay FPT Shop phần lớn được đầu tư từ nhãn hàng.
Ngoài ra, ông V.P., quản lý cấp cao của một thương hiệu di động trong top 3 thị phần tại Việt Nam, cho biết hãng smartphone phải trả tiền thuê các vị trí đặt bàn trải nghiệm này tại đại lý bán lẻ.
Các hãng cũng phải cạnh tranh để chiếm vị trí đẹp, ở mặt bằng lớn để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Vốn diện tích của các đại lý có hạn, được chia sẻ cho các ngành hàng khác. Ví dụ Thế Giới Di Động phân thêm không gian trong cửa hàng cho hạng mục đồng hồ, FPT Shop dành nhiều khu vực để bán máy tính xách tay.
Samsung, Oppo, Xiaomi bán tốt ở phân khúc thấp nhờ bàn trải nghiệm, nhân viên tư vấn ngoại tuyến. Ảnh: Xuân Sang. |
Chia sẻ với Zing, đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết tiền cho thuê vị trí bàn trưng bày một nguồn thu lớn cho đại lý, nhất là trong giai đoạn khó khăn, doanh số giảm.
“Mỗi tháng, tiền thu từ các bàn trải nghiệm vào khoảng 10-20 triệu đồng mỗi hãng, tùy vị trí cửa hàng, số lượng thuê. Thông thường, số tiền này đủ để đại lý thu xếp tiền thuê mặt bằng”, ông Huy Nguyễn, đại diện đại diện nhà bán lẻ CellphoneS, nói.
Với các hệ thống lớn, có vài trăm đến hàng nghìn cửa hàng, nguồn thu này có thể đạt đến mức hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên theo đại lý, khoản chi tiêu của hãng không ổn định.
Trong giai đoạn thị trường phát triển, sức mua tốt, mức độ cạnh tranh cao, nhãn hàng sẵn sàng chi tiêu nhiều. Nhưng nếu tình hình kinh doanh kém hiệu quả, các bàn trưng bày không mang lại lợi ích bán hàng, chúng có thể bị thu hồi.
Theo khảo sát của Zing ở các hệ thống lớn tại Việt Nam, Samsung, OPPO và Xiaomi là 3 thương hiệu có hệ thống sản phẩm trưng bày phủ rộng ở các hệ thống lớn, trên phạm vi cả nước. Đi kèm với đó là hàng nghìn nhân viên tư vấn.
Hiện tại, đây cũng là top 3 nhà sản xuất di động có doanh số bán tốt nhất ở phân khúc giá rẻ.
“Người dùng phân khúc thấp ở Việt Nam có nhu cầu được cầm nắm, trải nghiệm sản phẩm trước khi mua hàng. Do đó, bàn trải nghiệm hay nhân viên bán hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy doanh số. OPPO và Samsung là hai hãng làm tốt mảng này ở thị trường trong nước, gần đây có thêm Xiaomi”, Ông Phạm Quốc Bảo Duy , Giám đốc ngành hàng điện thoại Hệ thống FPT Shop, trả lời Zing.
Riêng ngành hàng Apple, đại lý phải chủ động trang bị sản phẩm trải nghiệm tại cửa hàng do hãng không hỗ trợ. Vì chi phí lớn, chủ chỉ một số chi nhánh tại các thành phố lớn hoặc mono store của Apple mới có sẵn thiết bị cho người dùng trải nghiệm trước khi mua sắm.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nguon-thu-bi-mat-cua-dai-ly-di-dong-viet-nam-a32213.html