Sau khi Báo Điện tử VOV đăng bài viết về câu chuyện trọng dụng nhân tài, trong đó có chỉ ra những lý do khiến người tài muốn ra khỏi khu vực công chính là môi trường làm việc và sự tôn trọng đối với họ, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với bài viết.
Một bạn đọc cho rằng: "Trong cơ quan, đơn vị người nịnh giỏi là thức thời và luôn có lợi thế trong việc bổ nhiệm vào vị trí có quyền lợi cao hơn…”.
Có ý kiến lại cho rằng, không chỉ người tài, mà ngay cả những cán bộ “trơn” không chức tước gì cũng rất mệt mỏi khi làm việc trong môi trường mà lãnh đạo không có cả năng lực chuyên môn lẫn quản lý, nên người thì “sợ sai” ngồi yên không làm gì; có người không chịu ngồi yên thì lại làm sai.
Độc giả này cho biết: “Mấy năm nay, tôi phải "chịu đựng" lãnh đạo đã không có năng lực chuyên môn lại còn yếu kém trong quản lý, bất cứ việc gì từ khó đến dễ, từ đơn giản đến phức tạp khi được cấp trên giao là mặc định “ấn nút đẩy” cho cấp dưới. Anh ta không chỉ đạo cũng không hỗ trợ, chứ chưa nói đến sáng tạo, đổi mới… Tồi tệ hơn, vì năng lực chuyên môn kém, anh ta không đủ khả năng thẩm định, đánh giá chất lượng công việc của cấp dưới, thậm chí còn chữa “lợn lành thành lợn què”.
Một điều đáng nói nữa trong câu chuyện này theo độc giả trên, đó là lãnh đạo cấp cao hơn biết nhưng không hiểu vì sao người kém cả chuyên môn lẫn quản lý vẫn không bị thay thế, hay luân chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn.
Câu chuyện của lãnh đạo trên đây chỉ là ở cấp thấp, có thể chỉ là cá biệt. Nhưng dù là cá biệt thì đây cũng là vấn đề không thể thờ ơ trong bối cảnh nhiều lao động đang muốn bỏ môi trường nhà nước ra đi.
Về cơ bản, những lao động nghiêm túc, có trách nhiệm, khi đi làm, ngoài thu nhập thì mong muốn của họ là được thể hiện năng lực và đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Nhưng nếu mỗi ngày tới cơ quan phải cố nén sự ấm ức, vì danh dự họ không cho phép mình làm việc theo kiểu đối phó, tới lúc quá sức chịu đựng, việc chán nản muốn rời bỏ là chuyện dễ hiểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng từng chia sẻ câu chuyện về sử dụng cán bộ. Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, ông cho biết: “Thời gian tôi công tác ở Tây Ninh, chúng tôi có tìm được một bạn học ở nước ngoài về chính sách công rất giỏi, giao việc rất tốt, bẵng một thời gian không thấy bạn đâu, hỏi ra mới biết vị trưởng phòng không thích bạn này, nên công việc chính người này được giao là cầm micro cho đại biểu phát biểu trong hội nghị”.
Ông Trần Lưu Quang cho rằng “trong câu chuyện nhân tài đang có hiện tượng bỏ Nhà nước ra đi, có thể cũng không phải chỉ là lương, thu nhập mà là cơ hội thăng tiến, là sự đánh giá, môi trường làm việc…”.
Rời khu vực công vì đồng lương eo hẹp chỉ là một phần lý do
Làm việc lâu năm trong ngành tổ chức, ông Lê Văn Thái, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng bày tỏ sự đồng cảm với những chia sẻ trên. Ông cho biết, về câu chuyện “chảy máu chất xám”, cách đây 15 năm, ông đã từng chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khá kỹ trước khi đi tới nhận định: Khát vọng lớn nhất của người tài là được cống hiến năng lực của mình. Sau đó mới là thu nhập. Để làm được điều đó, họ cần có một môi trường tốt, đó là môi trường thân thiện, mọi người cùng giúp nhau phát triển, chứ không phải đố kỵ, cạnh tranh, cản trở nhau. Để có được môi trường đó, yếu tố quyết định quan trọng nhất là người đứng đầu biết sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường, tạo điều kiện để họ làm việc và tôn trọng họ, đánh giá đúng những cống hiến, sức lực của họ, tạo cơ hội để họ tiếp tục phát triển.
Từ quá trình nghiên cứu, ông Lê Văn Thái nhận thấy, thực tế những người rời khu vực công vì đồng lương eo hẹp chỉ là một phần lý do. Quan trọng nhất là họ không được ghi nhận những nỗ lực, cống hiến. Trong môi trường công, có khi 10-15 năm họ chưa thể bộc lộ năng lực, khả năng của mình, nhưng ở một môi trường khác, môi trường phù hợp, thì chỉ trong vài tháng họ đã phát huy tài năng, sự sáng tạo. Họ tìm cách dịch chuyển cũng là tất yếu. Đây là yếu tố rất quan trọng.
Thực tế trên cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong khu vực công cũng cần phải xem xét, nhìn nhận lại, xem mình đã thực sự tạo ra một môi trường làm việc tốt đúng nghĩa chưa. Ở đó, người lao động nói chung và người tài nói riêng đã thực sự được động viên, khuyến khích phát triển năng lực cá nhân hay chưa?....
Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một môi trường làm việc tốt là nơi người tài có thể thể hiện được tài năng, được trọng dụng. Môi trường làm việc lý tưởng phải là nơi các thành viên được tạo điều kiện như nhau, ai có năng lực, tài năng tốt hơn thì được tôn vinh, cất nhắc. Ngược lại, ở nơi mà người nhà được bổ nhiệm chứ không phải người tài, chưa kể còn được lãnh đạo bởi nhóm "con ông cháu cha" yếu kém năng lực, bị người cũ chèn ép, quanh năm ngày tháng chỉ đun nước, pha trà phục vụ các “lão làng”, những người có lòng tự trọng sẽ thấy bị tổn thương, xúc phạm, làm sao họ có thể chấp nhận.
Nhắc lại thông tin của thành phố Hà Nội cho biết chỉ khoảng 10% trong số các thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyên dương về làm cho các cơ quan của Hà Nội, ông Tiến cho biết, ở nhiều địa phương, người tài được khuyến khích bằng chế độ đãi ngộ rất cao nhưng sau một thời gian vẫn ra đi. Ông Lê Như Tiến kiến nghị cần có luật về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với người tài. Song song với đó cần có một chiến lược tuyển chọn, sử dụng người tài. Tuy nhiên, cần chú trọng xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho người tài. Muốn thế, người đứng đầu ở môi trường ấy phải công tâm, công bằng./.