Trào lưu ‘sớm nở chóng tàn’ trên smartphone

Camera thò thụt trên smartphone Android được đánh giá là một bước đột phá, tuy vậy thiết kế này chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn và bị các hãng bỏ quên.

Từng là thiết kế "làm mưa làm gió" trên smartphone, camera thò thụt giờ đây gần như đã biến mất. Ảnh: Oppo.

FaceID, camera zoom quang học, đục lỗ hay vân tay ẩn dưới màn hình đều là những thiết kế mang tính đột phá trên smartphone. Tuy vậy, camera pop-up (thò thụt) mới là công nghệ mang lại cảm giác thú vị nhất cho người dùng.

Trong khi những công nghệ còn lại đang ngày càng được cải tiến và phát triển, thiết kế camera kiểu này lại dần biến mất trên smartphone kể từ năm 2020, dù xu hướng này từng nở rộ hồi 2019 với hàng chục sản phẩm từ cao cấp tới tầm trung.

Thiết kế đột phá

Camera pop-up từng được đánh giá là ý tưởng cách mạng cho màn hình tràn viền trên điện thoại. Xuất phát từ mục đích chính đáng chứ không thuần phô diễn công nghệ, thiết kế này giúp các hãng smartphone tạo ra thiết bị với màn hình không khuyết điểm.

Ý tưởng đầu tiên cho công nghệ camera thò thụt là Vivo Apex, được Vivo giới thiệu tại sự kiện MWC 2018. Đến giữa năm 2018, Vivo đã áp dụng thành công ý tưởng này lên chiếc Vivo Find X. Vivo Find X sở hữu tỷ lệ màn hình/thân máy lên tới 91.24%, lớn nhất thế giới tại thời điểm đó.

So sánh với công nghệ camera ẩn dưới màn hình, camera pop-up cũng mang lại trải nghiệm tốt hơn do không bị hạn chế về chất lượng ảnh chụp cũng như gặp vấn đề về hiển thị màn hình tại khu vực chứa camera.

Ngoài ra, thiết kế này cũng rất lý tưởng cho những người dùng quan tâm đến quyền riêng tư, với việc camera có thể được ẩn đi khi không sử dụng.

Thậm chí đã có một số trường hợp tại camera thò thụt ngẫu nhiên bật lên khi duyệt web hoặc sử dụng ứng dụng, từ đó cảnh báo người dùng về những hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

Kể từ đó, Google đã thêm một tính năng lên điện thoại Android giúp cảnh báo người dùng khi ứng dụng đang truy cập camera trước của họ.

Camera pop-up cũng là một cách để các hãng sản xuất mang cá tính riêng lên sản phẩm của mình. Smartphone có camera thò thụt đã tạo ra "làn gió" mới khiến thị trường bớt nhàm chán.

Chiếc Redmi K20 Pro được Xiaomi trang bị đèn LED có thể tùy chỉnh màu sắc ở đầu camera pop-up hoạt động giống như đèn thông báo. Thiết bị cũng cho phép người dùng lựa chọn âm thanh phát ra khi máy ảnh bật lên.

Smartphone A80 của Samsung lại có cụm camera vừa có thể bật lên và xoay 180 độ hay ASUS Zenfone 8 Flip với camera lật ngược, giúp người dùng tận dụng camera sau chất lượng cao để chụp ảnh selfie.

Camera pop-up cũng mang lại chất lượng hình ảnh rất tốt tại thời điểm 2018-2019. Những sản phẩm như OnePlus 7 Pro hay Vivo Nex 3 đều được đánh giá cao về khả năng chụp ảnh selfie.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định camera thò thụt chụp ảnh selfie chất lượng cao hơn nhiều so với camera ẩn dưới màn hình.

Điểm yếu "chí mạng"

Dù được đánh giá cao nhờ tối ưu cho trải nghiệm toàn màn hình, camera thò thụt cũng đã nhanh chóng biến mất vào năm 2020 do sở hữu nhiều khuyết điểm lớn. Sự ra mắt OnePlus 8 và 8 Pro dường như đã đánh dấu “án tử” cho camera pop-up. Thiết kế này đã bị loại bỏ và thay bằng camera selfie dạng đục lỗ.

Thiết kế độc đáo của cụm camera thò thụt có điểm yếu lớn nhất là các bộ phận cơ khí chuyển động. Độ bền là vấn đề lo ngại chính, bởi bộ phận thò thụt phải hoạt động liên tục, dù các hãng luôn tự tin rằng linh kiện của họ đã vượt qua thử nghiệm hàng chục nghìn lần.

Các nhà sản xuất cũng phải hy sinh không gian bên trong của sản phẩm và khó nâng cấp công nghệ, cải thiện chất lượng. Cụm linh kiện tốn diện tích, ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt và khiến họ không thể nâng cấp thêm dung lượng pin cho điện thoại.

Camera tho thut anh 4

Các bộ phận cơ khí chuyển động chiếm quá nhiều diện tích trong điện thoại. Ảnh: AndroidAuthority.

Lu Weibing, Tổng Giám đốc nhãn hiệu Redmi và Chủ tịch Xiaomi Group China, nói rằng hệ thống camera trước thò thụt sẽ biến mất trong thời đại 5G. Theo ông, số lượng các linh kiện trong một chiếc smartphone hỗ trợ 5G đã tăng lên đáng kể, khiến các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp một cụm chức năng cơ học như camera thò thụt.

Ngoài ra, sự phổ biến của camera selfie dạng đục lỗ cũng khiến thiết kế pop-up dần lỗi thời. Những chiếc điện thoại có camera thò thụt sẽ tốn thêm thời gian để người dùng truy cập vào camera trước, họ sẽ phải kiên nhẫn đợi cụm camera selfie trồi lên rồi mới có thể chụp ảnh.

Bên cạnh đó, so với linh kiện thò thụt, camera selfie đục lỗ nhỏ hơn, được tích hợp tốt hơn, và quan trọng nhất là không có bộ phận chuyển động.

Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung

Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/trao-luu-som-no-chong-tan-tren-smartphone-a32003.html