Thu phí 0 đồng đối với lao động đi Nhật: Có khả thi?

Theo các doanh nghiệp (DN), việc không thu phí đối với người lao động sang Nhật Bản là cơ hội giúp lao động giảm bớt gánh nặng khi đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì DN thu phí tuyển dụng, đào tạo... từ người lao động, khoản phí này cần được phía DN Nhật chi trả.

Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện số lao động Việt sang Nhật Bản làm việc gia tăng nhanh chóng với trung bình mỗi năm khoảng 100 nghìn lao động, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại nước này. Tuy nhiên, vấn đề lao động Việt đang gặp phải là chi phí họ phải bỏ ra để đi làm việc ở mức cao nhất khu vực, không đúng với các quy định.

Thu phí 0 đồng đối với lao động đi Nhật: Có khả thi? - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam sang Nhật Bản phải chịu mức phí cao nhất so với các nước trong khu vựcảnh: Long Hoàng

Tính toán của Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản cho thấy, hiện tại trung bình số tiền mà thực tập sinh Việt Nam vay nợ để đi làm việc tại Nhật lên tới 678.000 Yên (tương đương hơn 120 triệu đồng), gấp 4 lần lao động của Phillipines phải bỏ ra và gấp 3 lần ở Indonesia. Đặc biệt, những lao động càng ở khu vực khó khăn, kém phát triển, số tiền vay nợ càng lớn. Trung bình mỗi lao động Việt sang Nhật phải bỏ ra khoảng 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD).

Trước tình trạng già hóa dân số nhanh và thiếu hụt trầm trọng nhân lực, từ cuối năm 2022, các cơ quan Nhật Bản bắt đầu thảo luận về cơ chế mới để người lao động nước ngoài sang Nhật Bản không phải mất chi phí để có thể yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài tại nước này, hướng tới việc tuyển dụng lao động theo chuẩn quốc tế...

Phụ thuộc hoàn toàn phía Nhật

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Phong cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã triển khai một số chương trình thu phí 0 đồng đối với lao động sang Nhật. Chương trình thu hút sự quan tâm rất lớn của người lao động. Tuy nhiên, những chương trình này triển khai được là do phía Nhật Bản đứng ra đặt hàng, hỗ trợ. Còn việc nhân rộng, theo ông Tuyến không hề đơn giản mà hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác Nhật.

“Việt Nam rất mong muốn thực hiện chương trình này nhưng phía Nhật có chịu chi trả các chi phí như đào tạo, hỗ trợ, quản lý…người lao động hay không là vấn đề lớn. Điều này cần Chính phủ Nhật ban hành chính sách đồng bộ, áp dụng cho toàn bộ lao động nước ngoài. Còn nếu chỉ có Việt Nam, các DN Nhật sẽ chạy sang Indonesia, Myanmar…để tuyển lao động, vì chi phí rẻ hơn. Lúc đó, Việt Nam có khả năng mất thị trường”, ông Tuyến chia sẻ.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong hơn 30 năm hợp tác chương trình thực tập sinh kỹ năng, đã có 350 nghìn lao động Việt Nam sang Nhật. Từ năm 2013 đến nay, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tăng nhanh, Việt Nam trở thành nước có lượng thực tập sinh phái cử khá lớn.

Theo ông Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản vẫn còn một số tồn tại như số lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật Nhật Bản rất cao.

Nguyên nhân là một số DN Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh. Thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới, bị thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định.

“Đặc biệt, một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử Việt Nam trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thiết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động. Có trường hợp không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận”, ông Hương nói.

Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS) cho rằng, sẽ còn rất lâu mới có thể thực hiện chi phí 0 đồng cho lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Theo ông Diệp, khi không thu phí người lao động, DN phái cử Việt Nam bắt buộc phải được nhận khoản hỗ trợ từ phía DN Nhật.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/thu-phi-0-dong-doi-voi-lao-dong-di-nhat-co-kha-thi-a31990.html