Bình Thuận: Người dân còn chủ quan, lơ là đây là nguyên nhân phát sinh ổ dịch trong cộng đồng

Đó là đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận theo Văn bản số 4103/UBND-KGVXNV về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Sự kiện - Bình Thuận: Người dân còn chủ quan, lơ là đây là nguyên nhân phát sinh ổ dịch trong cộng đồng

Người Đưa Tin ghi nhận hình ảnh các chốt kiểm soát "vùng đỏ" tại phường Lạc Đạo, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ngày 30/10, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Văn bản số 4103/UBND-KGVXNV về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng, trong các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung liên tục gia tăng.

Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang triển khai thực hiện chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế.

Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét để điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu là phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan trên diện rộng.

UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua của các Sở, ngành, địa phương trong thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, qua thực tế, có tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận người dân chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều ca F0, các ổ dịch mới trong cộng đồng.

Trong điều kiện năng lực y tế của tỉnh ở mức trung bình, tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn và một số lượng lớn người dân di chuyển từ các địa phương có số mắc cao trở về tỉnh đã làm dịch bệnh bùng phát trở lại.

Chính vì thế, trong thời gian tới công tác phòng, chống dịch sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp sau:

Đối với quản lý người về từ vùng dịch

UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần nghiên cứu thật kỹ nội dung Công văn số 4048/UBND-KGVXNV ngày 25/10/2021 để chủ động phối hợp với Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, phù hợp với đặc điểm từng địa phương; trong đó cần nêu rõ mô hình hoạt động, cơ chế kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá.

Hàng ngày, báo cáo số lượng người từ các tỉnh, thành khác về tỉnh (được cách ly tập trung, cách ly tại nhà, theo dõi y tế) gửi Sở Y tế trước 14h để tổng hợp vào báo cáo ngày.

Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm toàn bộ người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tổ giám sát Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.

Sự kiện - Bình Thuận: Người dân còn chủ quan, lơ là đây là nguyên nhân phát sinh ổ dịch trong cộng đồng (Hình 2).

Lực lượng công an kiểm soát người ra/vào "vùng đỏ" ở phường Lạc Đạo, Tp.Phan Thiết.

Về quản lý đi lại của người dân trong nội tỉnh

Đối với "vùng đỏ", sẽ thực hiện phong tỏa hẹp khu vực có ca mắc, cần thiết thì phong tỏa tạm thời theo quy mô rộng hơn để thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; tổ chức các chốt kiểm soát, giám sát chặt chẽ người/phương tiện ra vào "vùng đỏ" theo quy định tại Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 18/10/2021.

Thực hiện xét nghiệm theo quy định, trong đó người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Theo phân cấp, UBND các địa phương phải phê duyệt phương án sản xuất, kinh doanh; có kiểm tra, giám sát và phải có phương án xét nghiệm định kỳ phù hợp theo từng cấp độ, báo cáo kết quả xét nghiệm về cơ sở y tế địa phương.

Thiết lập việc quét mã QR tại các cơ quan, công sở, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, địa điểm tổ chức các hoạt động đông người, nơi công cộng, lắp camera theo dõi và yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động, người dân khi đến các địa điểm trên đều phải quét mã QR, khai báo y tế theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, tập huấn chuyên môn, kích hoạt và đưa vào hoạt động toàn bộ các điểm tiêm vắc-xin tại các trạm y tế xã, phường, thi ̣trấn theo quy định để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin được phân bổ và kịp thời triển khai nhanh kế hoạch tiêm khi số lượng vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ với số lượng nhiều.

Đối với Sở Giao thông Vận tải, hướng dẫn hoạt động vận tải khách trên tuyến Phan Thiết đi huyện Phú Quý, các hành khách, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận, tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 29/10, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 5.135 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/binh-thuan-nguoi-dan-con-chu-quan-lo-la-day-la-nguyen-nhan-phat-sinh-o-dich-trong-cong-dong-a3191.html