Một mẫu smartphone màn hình gập của Samsung. Ảnh: Digital Trends. |
Theo thống kê được Counterpoint Research công bố vào tháng 8/2022, smartphone màn hình gập là dòng điện thoại có mức tăng trưởng nhanh nhất thị trường.
Trong số đó, Samsung dẫn đầu với 62% thị phần smartphone gập trên toàn cầu. Những vị trí tiếp theo thuộc về Huawei (16%) và Oppo (3%).
Bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của smartphone màn hình gập, nhiều lý do khác nhau khiến đối tượng Gen Z chưa ấn tượng với những thiết bị này.
Ngần ngại vì giá đắt
Gen Z trưởng thành trong thời đại công nghệ bùng nổ. Tuy nhiên, những người sinh ra trong năm 1997-2012 dường như không mặn mà đến smartphone gập, dù đây là thiết kế dần phổ biến.
Trả lời Business Insider, Kelly McKeon, 24 tuổi, sống tại New York (Mỹ), cho biết từng sử dụng điện thoại nắp gập khi học trung học. Giờ đây, cô đã chuyển sang iPhone.
Nói về smartphone màn hình gập vỏ sò, McKeon cho biết khả năng gập đôi rất thú vị. Tuy nhiên, cô không có nhu cầu sở hữu những thiết bị này bởi giá bán quá cao.
Motorola Razr 5G. Ảnh: Smartprix. |
Ranjit Atwal, nhà phân tích tại Gartner, cho biết smartphone gập là một trong những dòng điện thoại đắt tiền trên thị trường.
Ví dụ, Galaxy Z Fold4 của Samsung có giá 1.815 USD cho phiên bản 1 TB. Trong khi đó, Oppo Find N2 Flip có giá 1.024 USD. Khi Huawei Mate X ra mắt năm 2019, giá bán của thiết bị lên đến 2.600 USD.
"Mọi người không nghĩ đến việc tiêu số tiền lớn vào thời điểm này", Atwal cho biết. Ông nhấn mạnh đối tượng có ngân sách eo hẹp, ví dụ như Gen Z tiết kiệm tiền sẽ không lựa chọn smartphone gập.
Theo Atwal, nhà sản xuất cần thúc đẩy doanh số trước khi nghĩ đến giảm giá. Đó là lý do điện thoại màn hình gập được quảng cáo rộng rãi trong thời gian gần đây.
Theo ước tính của Counterpoint, doanh số smartphone gập trong năm 2023 sẽ đạt 22 triệu chiếc, tăng 52% so với năm ngoái. Giá bán của chúng có thể rẻ hơn nhờ tính cạnh tranh ngày càng cao của thị trường.
Ra mắt sai thời điểm
Stephanie Elliot, 23 tuổi, cho biết đã chuyển từ Samsung Galaxy S8+ sang Galaxy Z Flip3. Khi gập lại, thiết bị nằm vừa vặn trong túi quần, giúp bảo vệ màn hình tốt hơn.
"Khả năng gập là điểm mạnh duy nhất của chiếc điện thoại này. Ngoài ra, nó chỉ là mẫu smartphone thông thường", Elliot cho biết. Cô nhận xét một số chế độ như Flex mode không hữu ích như mong đợi.
Oppo Find N2 Flip. Ảnh: The Verge. |
Cụ thể, Flex mode chỉ hoạt động tốt với camera, khi màn hình chia thành 2 nửa giúp dễ dàng thao tác. Trong khi đó, các ứng dụng bên thứ 3 chưa được tối ưu để phát huy hết công dụng của chế độ này.
Những chiếc điện thoại thời trang, nhỏ gọn đã trở lại với kích thước màn hình lớn. Tuy nhiên theo Atwal, thời điểm xuất hiện của điện thoại gập không còn phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Cụ thể, giới trẻ đã thay đổi cách mua điện thoại từ khi đại dịch bùng phát. Thay vì nâng cấp ngay khi hết hợp đồng với nhà mạng, họ quyết định giữ thiết bị cũ thêm một thời gian, bởi chúng vẫn đáp ứng hầu hết nhu cầu và ứng dụng cơ bản.
Cùng với giá bán đắt, smartphone màn hình gập chưa thể tiếp cận nhiều người dùng. Theo chuyên gia của Gartner, các nhà sản xuất đang "cố gắng mang một điều mới mẻ đến thị trường khi mọi người chưa sẵn sàng tiếp nhận".
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/gen-z-kem-hao-hung-voi-smartphone-gap-a30962.html