Đừng bỏ qua tin nhắn ‘spam’ từ nhà mạng trong thời gian này

Từ nay đến 31/3, nhà mạng sẽ nhắn tin nhiều lần cho các thuê bao chưa đúng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không cập nhật, người dùng có thể bị khóa liên lạc.

Để không bị khóa liên lạc, người dùng cần cập nhật thông tin theo hướng dẫn của các nhà mạng gửi qua tin nhắn. Ảnh: Hoàng Nam.

“Chúng tôi nhắn tin cho khách hàng 5 lần trong 5 ngày liên tiếp, nhưng số khách hàng phản hồi rất thấp, nhiều khách hàng nhận được thông tin nhưng không quan tâm hoặc nghi ngờ tin nhắn rác”, đại diện Viettel cho biết tại cuộc họp ngày 13/3 về quản lý thông tin thuê bao.

Vị này cũng lưu ý, hệ lụy khi không chuẩn hóa là dễ mất cắp thông tin, mất số điện thoại qua đó để lọt quyền truy cập vào các tài khoản tín dụng.

Đến nay số lượng thuê bao không trùng khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn khoảng hơn 1 triệu đối với mỗi nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, tổng là gần 4 triệu thuê bao. Những thuê bao này sẽ liên tục nhận được thông báo từ nhà mạng qua tin nhắn.

Con số thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin không lớn so với quy mô khách hàng của cả 3 nhà mạng, nhưng ít khách hàng phản hồi khi được yêu cầu cập nhật thông tin, theo chia sẻ của đại diện các nhà mạng tại cuộc họp.

sim anh 1

Giao diện cập nhật thông tin qua trang web của nhà mạng Viettel. Với các nhà mạng, thông tin người dùng cần chuẩn bị là giấy tờ tùy nhân và ảnh chụp chân dung. Ảnh: Hoàng Nam.

Ba nhà mạng lớn nhất cho biết hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin qua ứng dụng, trang web và tại hệ thống cửa hàng trên toàn quốc. Đối với cả 3 nhà mạng, khi cập nhật qua ứng dụng hoặc trang web, đầu tiên người dùng cần nhập số điện thoại cần kiểm tra, hệ thống sẽ báo trạng thái thông tin đã trùng khớp hay chưa và hướng dẫn các bước cập nhật thông tin tiếp theo.

Để cập nhật qua ứng dụng hoặc trang web, người dùng cần chuẩn bị điện thoại có gắn SIM đang cập nhật để nhận tin nhắn xác thực, chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu, ảnh chân dung để chụp lại và gửi lên hệ thống.

Ngoài ra, VinaPhone và MobiFone cho biết có lựa chọn nhân viên đến cập nhật tại địa chỉ của khách, trong trường hợp khách hàng khó khăn đi lại. Tuy nhiên đây là giải pháp tùy tình huống, và nhà mạng khuyến khích khách tự cập nhật qua ứng dụng hoặc trang web.

“Có nhiều lựa chọn, nhưng vẫn có nhóm khách hàng chưa thực sự hợp tác để chuẩn hóa thông tin”, đại diện MobiFone cho biết. Đại diện VinaPhone cảnh báo đợt rà soát có thể ảnh hưởng đến một lượng lớn khách hàng.

Sau 15 ngày từ khi nhận được thông báo từ nhà mạng, thuê bao sẽ bị khóa liên lạc một chiều nếu không cập nhật thông tin. Sau 30 ngày, thuê bao bị khóa liên lạc 2 chiều và sau 60 ngày bị dừng hợp đồng.

Để cập nhật thông tin thuê bao, người dùng truy cập trang web của nhà mạng mà mình đang sử dụng tại các địa chỉ my.vnpt.com.vn (VinaPhone), tttb.mobifone.vn (MobiFone) hoặc viettel.vn/s/chtt (Viettel).

Sau khi nhập số thuê bao cần kiểm tra/cập nhật thông tin, hệ thống sẽ gửi tin nhắn mã xác thực đăng nhập vào số thuê bao đó. Người dùng nhập mã để đăng nhập.

Tiếp theo, chọn loại giấy tờ dùng để xác nhận, có thể là căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Sau đó, tải ảnh mặt trước và mặt sau của giấy tờ và ảnh chân dung tại các ô yêu cầu của giao diện web. Nếu sử dụng máy tính, người dùng cần chuẩn bị trước các file ảnh giấy tờ, ảnh chân dung. Với điện thoại thông minh, trang web của các nhà mạng cho phép chụp ảnh trực tiếp.

Cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin mà hệ thống đã trích xuất từ ảnh gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp và chọn xác nhận thông tin.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/dung-bo-qua-tin-nhan-spam-tu-nha-mang-trong-thoi-gian-nay-a30797.html