Sếp công nghệ mất việc sau nhận xét về chuỗi cung ứng Trung Quốc

Trước khi từ chức, cựu lãnh đạo công ty đối tác Apple đã vẽ ra viễn cảnh tăm tối cho lĩnh vực gia công sản xuất của Trung Quốc.

Trụ sở R&D của Goertek tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: CFP.

Tuần đầu tháng 3, ông Kazuyoshi Yoshinaga, Phó chủ tịch Goertek, đối tác sản xuất AirPods của Apple, đã đột ngột tuyên bố từ chức. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi vị Phó chủ tịch tuyên bố đưa chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc và muốn chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ.

Tuyên bố táo bạo về chuỗi cung ứng Trung Quốc

Trong hồ sơ chứng khoán hôm 7/3, Goertek cho biết ông Yoshinaga, 55 tuổi, từ chức vì "lý do cá nhân" và không đưa ra thêm bất kỳ thông tin nào khác.

Thông báo của hãng gia công cũng không đề cập đến tuyên bố trước đó của cựu Phó chủ tịch về việc đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, vẽ ra viễn cảnh tăm tối cho lĩnh vực gia công sản xuất của quốc gia tỷ dân, SCMP cho biết.

Theo tài liệu của Goertek, ông Yoshinaga đã nộp đơn từ chức hôm 7/3 và lá đơn có hiệu lực ngay lập tức. Ông không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Goertek và cũng không giữ vị trí nào tại các công ty ủy quyền của Goertek sau khi từ chức.

Cũng trong hồ sơ chứng khoán mới nhất, Goertek cho biết ông Yoshinaga đã làm việc tại công ty từ năm 2015. Ông có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực lập chiến lược doanh nghiệp và quản trị thay đổi. Lương hàng năm của ông là 1,2 triệu nhân dân tệ (173.000 USD). Trước khi đầu quân cho Goertek, Yoshinaga từng làm việc cho IBM và tốt nghiệp Đại học Tongji ở Thượng Hải.

Sep cong nghe mat viec anh 1

Nhà xưởng Goertek tại KCN Quế Võ - Bắc Ninh. Ảnh: MEGACON.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Yoshinaga cho biết các đối tác sản xuất của Apple có nhà máy tại Trung Quốc, bao gồm cả Goertek đang đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển ra khỏi quốc gia này bằng cách khám phá các địa điểm thay thế bên ngoài.

Quá trình dịch chuyển nhanh hơn dự báo của các nhà quan sát nhằm tránh những hậu quả từ mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Dưới nỗ lực tìm kiếm bến đỗ mới ngoài Trung Quốc của các nhà máy, Trung Quốc đã để mất vị trí áp đảo trong lĩnh vực cung ứng trước Việt Nam và Ấn Độ.

“Bắt đầu từ tháng trước, ngày nào cũng có rất nhiều khách hàng đến công ty chúng tôi. Trong đó, chủ đề thảo luận chính thường liên quan đến vấn đề chuyển nhà máy. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung đầu tư ở Việt Nam”, ông Yoshinaga nói.

Ông còn cho cho biết nhiều công ty Mỹ đang có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam bất chấp chi phí trong khi những doanh nghiệp khác đang xem xét Ấn Độ. Nhưng nhìn chung, dòng chảy sẽ liên tục hướng ra ngoài Trung Quốc.

Lần đầu tiên có đối tác Apple khẳng định muốn thoát khỏi Trung Quốc

Theo SCMP, trong những năm gần đây, xung đột ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng xây dựng suốt hàng thập kỷ của Apple bắt đầu lung lay.

Biểu hiện rõ ràng nhất chính là những đối tác lớn như Foxconn, Goertek và Luxshare Precision Industry Co đang tìm kiếm bến đỗ mới ngoài Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và Ấn Độ.

Sep cong nghe mat viec anh 2

Lãnh đạo Goertek cho biết công ty đang yêu cầu các nhà cung cấp tìm kiếm nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Ảnh: 9to5mac.

Năm 2022, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn ở tỉnh Trịnh Châu, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bất ổn khi hàng nghìn nhân viên đã rời khỏi đây, dẫn đến năng lực sản xuất iPhone bị đình trệ đáng kể ngay giữa mùa mua sắm sôi động.

Sự kiện này đã khiến Apple lần đầu tiên tự mình lên tiếng xác nhận việc cơ sở lắp ráp của đối tác Foxconn Trịnh Châu bị giảm sản lượng do Covid-19. Đây cũng là lần hiếm hoi đăng thông báo xác nhận về tình hình sản xuất lên trang chủ công ty.

Kể từ đó trở đi, Apple được cho là đang hối thúc các đối tác cung ứng Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch đưa nhà máy sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả Táo khuyết và những đối tác như Goertek, Luxshare hay Foxconn chưa bao giờ lên tiếng xác nhận vấn đề này. Các nhà cung cấp cho Apple hiếm khi chia sẻ về kế hoạch và duy trì tính bảo mật trong chuỗi cung ứng. Bản thân nhà sản xuất iPhone cũng không xác nhận liệu có đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc hay không.

Vì vậy, tuyên bố của cựu Phó chủ tịch Goertek, ông Kazuyoshi Yoshinaga chính là lần đầu tiên đối tác cung ứng của Apple công khai thảo luận chủ đề chuyển nhà máy.

Về phía chính phủ Trung Quốc, quốc gia này cũng chưa bao giờ lên tiếng về việc Apple muốn dịch chuyển nhà máy ra khỏi lãnh thổ. Nhưng theo SCMP, vừa mới thoát khỏi 3 năm trì trệ vì quy định phòng chống dịch Covid-19 khắc nghiệt, quốc gia tỷ dân mong muốn vực dậy nền kinh tế đang chậm tốc và tuyên bố sẽ duy trì chuỗi cung ứng như hiện tại.

Trong Đại hội Đảng lần thứ 20, Trung Quốc đã nhận thức những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch và căng thẳng địa chính trị lên lĩnh vực sản xuất và đã có những lời kêu gọi như “xây dựng chuỗi cung ứng vững mạnh”, “vá lỗ hổng còn sót trong chuỗi cung ứng” để giải quyết khó khăn trước mắt.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/sep-cong-nghe-mat-viec-sau-nhan-xet-ve-chuoi-cung-ung-trung-quoc-a30647.html