Những ngày qua, câu chuyện xoay quanh "Tịnh thất bồng lai" lại nóng lên trên mạng xã hội sau khi Lê Thanh Minh Tùng, tự nhận là con ruột của Lê Tùng Vân (người xưng là nhà sư ở "Tịnh thất bồng lai") xuất hiện trên livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.
Tại đây, Lê Thanh Minh Tùng đã tố cáo những câu chuyện động trời ở "Tịnh thất bồng lai".
"Tịnh thất bồng lai" (sau tự đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ"), tọa lạc xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, là một địa điểm làm xôn xao dư luận trong vùng thời gian qua.
Trong những video clip được tung lên các trang mạng xã hội cho thấy, mặc dù chưa bao giờ xuất gia, nhưng ông Lê Tùng Vân, luôn mạo xưng mình là "Thầy ông nội" hay "thầy Thích Tâm Đức". Người đàn ông này tự cạo đầu trọc, mặc lễ phục, pháp phục, làm lễ phục xuất gia cho người khác, nhận Phật tử làm tín đồ.
Ông Lê Tùng Vân tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai". Ảnh cắt từ clip.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ năm 2020, Công an tỉnh Long An đã xác minh, làm rõ, "Tịnh thất bồng lai" là địa điểm lợi dụng tôn giáo, danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi từ hoạt động từ thiện.
Bên cạnh đó, theo vị này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã khẳng định, đây không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp, Giáo hội không quản lý địa điểm này.
Còn Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An cũng khẳng định: "Tịnh thất bồng lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ", chỉ là hộ gia đình, nhà ở, không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Ban Trị sự GHPG tỉnh Long An, đây chỉ thuần là một hộ gia đình do bà Cao Thị Cúc (SN 1960) làm chủ hộ, thời gian qua đã mạo xưng là "chùa", "tịnh thất", "thiền am", nuôi trẻ mồ côi. Đặc biệt, nơi đây trong nhiều năm thường đồn thổi và phao tin "hoa ưu đàm" để thu hút quần chúng hiếu kỳ, gây xôn xao dư luận và hiểu lầm về Phật giáo, lạm dụng pháp phục tu sĩ nhưng lại phản bác Phật giáo, làm nhiều việc không phù hợp khiến dư luận bức xúc.
"Tư thất bồng lai tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An quản lý và những người đang sinh hoạt, sinh sống tại tư thất này không phải là tu sĩ Phật giáo.
Họ đang lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình.
Trong thời gian qua, những hoạt động của nhóm tư thất bồng lai đã ảnh hưởng đến GHPGVN nói chung và Phật giáo tỉnh nói riêng rất nhiều", lãnh đạo Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An nhấn mạnh.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Long An cho biết, trường hợp hộ bà Cao Thị Cúc chỉ là hộ gia đình, nhà ở, không phải là cơ sở thờ tự tôn giáo. Việc ông Lê Tùng Vân nói mình là Hòa thượng là tự phong, không được GHPGVN và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Tối 22/9/2020, Công an tỉnh Long An đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An phát sóng phóng sự điều tra "Sự thật nơi tự xưng là Tịnh thất bồng lai" để thông tin đầy đủ những kết quả xác minh, điều tra về những "lùm xùm" liên quan tới nơi này.
Trong đó, theo cơ quan công an tỉnh Long An, từ năm 1990 đến năm 2007, tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, ông Lê Tùng Vân đã tạo lập cơ sở tự lấy tên là Trại dưỡng lão - Cô nhi Thánh Đức, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi và tiếp nhận tiền từ thiện. Đến năm 2007 thì bị xử lý và chấm dứt hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, ông Lê Tùng Vân tiếp tục thực hiện thủ đoạn này nhưng với mức độ tinh vi hơn do tận dụng mạng xã hội để quảng cáo, kêu gọi tài trợ.
Theo thông tin từ Vietnamnet, cơ quan chức năng địa phương cho biết, những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây không phải là trẻ mồ côi và phần lớn đều có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tinh-that-bong-lai-loi-dung-ton-giao-danh-nghia-nuoi-tre-mo-coi-de-truc-loi-tu-thien-a3057.html