Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân 06 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh) đã có báo cáo về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP ngày 03/12/2020 về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Xử lý vi phạm trong tổ chức bộ máy
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công khai danh sách các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản đã ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam. Xây dựng chiến lược và kế hoạch về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, ban hành quy trình thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép, cơ chế giám sát thủ tục cấp phép. Ban hành tiêu chí, điều kiện lựa chọn doanh nghiệp triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản trước khi lựa chọn các doanh nghiệp thực hiện chương trình.
Xử lý những vi phạm trong tổ chức bộ máy như: kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Ban Điều hành hoạt động Quỹ trong các giai đoạn trước đây vì đã để xảy ra các vi phạm; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm để trong thời gian tới không xảy ra các vi phạm tương tự và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ LĐTBXH đã họp kiểm điểm trách nhiệm của Chánh Thanh tra trong giai đoạn từ năm 2013-2018 và yêu cầu Chánh Thanh tra nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này, chỉ đạo các Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính nếu doanh nghiệp vi phạm, chú ý thanh tra lại các doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 đã thanh tra nhưng không xử phạt, nếu doanh nghiệp vẫn sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Xử lý đối với các doanh nghiệp đã được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không làm thủ tục cấp đổi Giấy phép hoặc làm thủ tục cấp Giấy phép chậm so với quy định.
Thu hồi Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực quốc tế Bắc Việt; Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long.
Thanh tra toàn diện hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty Cổ phần nguồn nhân lực quốc tế Thuận An KYOTO với tổng số tiền xử phạt là 60.000.000 đồng.
Bộ LĐTBXH cho biết cũng gặp khó khăn khi xử lý số tiền do không phạt hết lỗi vi phạm hành chính trước đây của doanh nghiệp. Chưa thực hiện việc thanh tra toàn diện việc thu, chuyển tiền môi giới ra nước ngoài trái quy định theo kiến nghị thanh tra.
Bên cạnh đó, chưa tiến hành kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của người lao động không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐTBXH đang trong quá trình xin ý kiến các bộ và cơ quan ngang bộ về Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đối tượng áp dụng. Tăng cường quản lý, bảo vệ lao động; ban hành cơ chế, chế tài quản lý lao động bỏ trốn; phát triển thị trường lao động có thu nhập cao. Hoàn thiện cơ chế pháp lý đăng ký hợp đồng trực tuyến, bỏ đăng ký hợp đồng thi công; xem xét thủ tục xác nhận danh sách lao động xuất cảnh sang Đài Loan.
Phát hiện nhiều sai phạm ở địa phương
Về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành 01 cuộc thanh tra.
Về cơ cấu lãnh đạo của Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở LĐTBXH. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế, cán bộ, viên chức và công tác của Sở LĐTBXH, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH.
Tại tỉnh Phú Thọ, địa phương này chỉ đạo các huyện tổ chức kiểm tra 6 doanh nghiệp, các văn phòng đại diện và điểm tư vấn tiếp nhận hồ sơ lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn.
Ngoài ra đã giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vào địa bàn tỉnh để tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hiện nay trên địa bàn tỉnh gần 50 doanh nghiệp đang thực hiện công tác tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước tại 13/13 huyện, thành thị, các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu doanh nghiệp cử cán bộ trực tiếp đến địa phương, làm việc, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể..
UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo đã tổ chức kiểm tra công tác xuất khẩu lao động tại 10 huyện, thành phố, thị xã và một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác kiểm tra 6 tháng đầu năm 2021 chưa thực hiện được.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, căn cứ vào hồ sơ đề nghị của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chọn người lao động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã phối hợp tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 04 đơn vị đủ điều kiện.
Có 33 đơn vị đã thực hiện gửi báo cáo về số lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.
Ngày 08/3/2021 UBND tỉnh Hải Dương ban hành Văn bản giao Sở LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, Sở LĐTBXH có Công văn số 605/SLĐTBXH-LĐVL ngày 29/3/2021 đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan tăng cường quản lý hoạt động tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở LĐTBXH có Văn bản gửi Phòng LĐTBXH về việc phối hợp quản lý, giám sát hoạt động tuyển chọn lao động của doanh nghiệp chưa cung cấp đủ các giấy tờ, tài liệu thì Sở LĐTBXH có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bổ sung đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ LĐTBXH.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Sở LĐTBXH phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra hoạt động của 80 doanh nghiệp về hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Qua kiểm tra 80 đơn vị, đã phát hiện 60 đơn vị sai phạm trong nhiều lĩnh vực.
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh ban hành Công văn số 681/UBND-VX ngày 14/02/2020 về việc tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, tư vấn du học trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Sở LĐTBXH; Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát các sai phạm của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đơn vị cơ bản chấp hành tốt Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, có đầy đủ hồ sơ pháp lý như giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giấy đăng ký kinh doanh, giấy ký quỹ,…
UBND tỉnh Nghệ An đã tham mưu đề xuất và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2020, ngân sách tỉnh đã phân bổ kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho người lao động.
Tại Hà Tĩnh, Sở LĐTBXH, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền đối với doanh nghiệp, chi nhánh, Văn phòng hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động trên địa bàn.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số Nghị quyết về chính sách, đào tạo nghề để giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng; ban hành một số Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ về đào tạo nghề, ngoại ngữ, làm thủ tục hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ lãi suất vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lam-ro-trach-nhiem-cua-cuc-truong-cuc-quan-ly-lao-dong-ngoai-nuoc-a3045.html