Người ảo - cuộc chơi đốt tiền tại Trung Quốc

Nhiều công ty phát triển người ảo với tham vọng tiến vào metaverse, nhưng đây được coi là những dự án đốt tiền, tốn kém.

Khi sáu nhân viên của Musiness - một nền tảng chuyên về bản quyền âm nhạc thương mại tại Thượng Hải - thay phiên nhau hướng dẫn và trả lời câu hỏi của khách hàng thông qua mạng xã hội, không ai nghĩ họ đều là người ảo.

Tạo hình Metamuse. Ảnh: Musiness

Tạo hình Metamuse. Ảnh: Musiness

Một cô gái có mái tóc nâu, da trắng, mặc áo yếm đen tên là Metamuse trở thành đại diện thường xuyên của Musiness. Metamuse xuất hiện từ cuối năm ngoái, không chỉ đại diện cho công ty với tư cách "giám đốc dịch vụ khách hàng", mà còn là một ca sĩ được yêu thích. "Cô" từng biểu diễn Gongxi Gongxi, một bài hát truyền thống của Trung Quốc mừng Tết Nguyên đán.

Metamuse là đại diện đặc trưng cho xu hướng người ảo tại Trung Quốc. Tong Xiaoyan, CEO Musiness, cho biết họ đầu tư vào lĩnh vực này vì tin rằng các nội dung liên quan đến metaverse sẽ bùng nổ thời gian tới. Cũng theo bà, người ảo có nguy cơ và độ rủi ro thấp hơn nhiều so với những người nổi tiếng trong thế giới thực.

Xu hướng mới

"Bạn không cần lo lắng về nguy cơ bị đảo lộn hình ảnh trước công chúng của người ảo", Xiaoyan nói, đề cập đến tình trạng nhiều người nổi tiếng bị thất sủng do các vấn đề đạo đức, mối quan hệ hoặc thuế trên Internet Trung Quốc. "Việc hoạt động của người ảo cũng linh hoạt hơn người thực".

Todd Hessert Jiang, nhà phát triển của công ty công nghệ StarHeir Technology và từng làm việc ở lĩnh vực thời trang, cũng cho rằng xu hướng sắp tới là người ảo trong metaverse. "Nói một cách đơn giản, không gian mới hoặc vùng đất mới như metaverse sẽ cần đến những con người ảo. Mục tiêu của chúng tôi sẽ tập trung vào chúng", Jiang cho biết.

Từ năm ngoái, thần tượng ảo xuất hiện nhiều hơn trên các nền tảng Internet tại Trung Quốc. Trong số đó có Cui Xiaopan của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke, hay Ayayi - KOL ảo đầu tiên của Trung Quốc trên nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội Xiaohongshu.

Theo iiMedia, quy mô thị trường người ảo khoảng 107,5 tỷ nhân dân tệ (16,9 tỷ USD) năm 2021 và dự kiến đạt 333,5 tỷ nhân dân tệ (52,3 tỷ USD) năm 2023.

"Việc tiếp nhận con người ảo trong môi trường xã hội và kinh doanh là một phần của thế hệ người trẻ mới", James Cheng, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger, nhận xét. "Thế hệ này lớn lên với phim hoạt hình, do đó họ dễ dàng tiếp nhận các nhân vật ảo".

Các công nghệ liên quan đến người ảo được tích lũy cách đây hai hoặc ba năm, nhưng 2022 được coi là "điểm bùng nổ". Điều đó đã được chứng minh thời gian qua với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn như Alibaba, Tencent, Baidu và ByteDance. Alibaba năm ngoái ra sản phẩm ảo hỗ trợ thương gia trên nền tảng thương mại điện tử của mình. ByteDance cung cấp công nghệ cho A-Soul, một nhóm nhạc thần tượng ảo nổi tiếng thuộc Yuehua Entertainment. Baidu cũng đã ra công nghệ hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu cho người ảo.

Cuộc đua đốt tiền

Người ảo hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia lĩnh vực này, bởi họ cần phải đầu tư lớn nhưng chưa chắc thu về kết quả như mong đợi.

Theo bà Xiaoyan, cuộc đua người ảo hiện là trò chơi đốt tiền. "Chúng tôi đã đầu tư hơn một triệu nhân dân tệ (150.000 USD) vào Metamuse nhưng vẫn chưa thu được gì. Về cơ bản, cuộc chơi vẫn dành cho kẻ lắm tiền và xác định không cần lợi nhuận", Xiaoyan nói.

Nhiều công ty cho biết, việc vận hành một người ảo cũng tốn kém không kém và không dễ dàng. Liu Yexi, chuyên gia làm đẹp ảo nổi tiếng, được cho là có đội ngũ hỗ trợ hơn 100 người đứng sau. Liang Zikang, CEO Chuangyi Technology - công ty sở hữu Yexi, trong một phỏng vấn năm ngoái nói chi phí mỗi giây cho người ảo "tương đương với 2-3 gam vàng".

Li Shiyan, đứng đầu phòng thí nghiệm tương tác người - máy của Baidu Cloud, nói công nghệ xây dựng người ảo hiện vẫn còn sơ khai. "Khi nói đến sản xuất hàng loạt, vẫn còn đó những câu hỏi về rào cản công nghệ, thời gian và chi phí. Vấn đề có thể được giải quyết phần nào bằng AI, nhưng chưa thể đẩy nhanh tiến độ", Shiyan cho biết.

Với chi phí lớn, một số doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung cho những người ảo nhất định thay vì phát triển tràn lan. Tháng 12 năm ngoái, StarHeir nhận được khoản đầu tư trị giá 1,57 triệu USD từ hãng game NetEase. Tuy nhiên, công ty này chỉ có kế hoạch phát triển 15 thần tượng ảo ở Trung Quốc và 15 nhân vật khác cho thị trường nước ngoài.

Người ảo kiếm tiền thế nào

Một trong những cách phổ biến nhất để người ảo kiếm tiền là để họ làm đại diện thương hiệu và xuất hiện trong các quảng cáo, tương tự người nổi tiếng. Chẳng hạn, năm thần tượng ảo của StarHeir đã hợp tác với chuỗi cửa hàng DFS, công ty âm thanh Sennheiser (Đức) và thương hiệu mỹ phẩm Clarins (Pháp) để quảng bá sản phẩm. Metamuse của Musiness cũng tập trung giới thiệu ẩm thực cho công ty Caizhizhai và dự định ra album nhạc. Tháng trước, MonoC, một nghệ sĩ ảo tại Hong Kong, cũng tạo và đã bán thành công NFT của mình với giá hơn 24.000 USD.

Năm thần tượng ảo của StarHeir. Ảnh: StarHeir Technology

Năm thần tượng ảo của StarHeir. Ảnh: StarHeir Technology

Một số người ảo chỉ đơn giản là đại diện cho các công ty. miHoYo, nhà phát triển game nổi tiếng Genshin Impact, tạo ra người ảo Lumi để quảng bá cho các sản phẩm của công ty. Nhân vật này hiện có hơn một triệu người theo dõi trên mạng video Bilibili kể từ khi xuất hiện vào tháng 5/2020.

Bản thân các nền tảng như Bilibili được coi là nơi sản sinh ra hàng loạt người ảo, những thần tượng ảo của Trung Quốc. Cùng với người thật, công ty này xem các vlogger ảo là một cách để làm phong phú và bổ sung cho các nội dung.

Dù người ảo có thể giải quyết một số vấn đề của người nổi tiếng ngoài đời, chúng không phải không có rủi ro. Chẳng hạn, Kizuna AI, một trong những thần tượng ảo nổi tiếng xuất hiện trên YouTube cách đây 5 năm, gây tranh cãi khi nói người ảo sẽ thay thế người nổi tiếng thật trong tương lai. Ý kiến này nhận nhiều chỉ trích, buộc công ty đứng sau ngừng cập nhật vô thời hạn.

Người ảo cũng mất dần sức hút theo thời gian. Bài đăng đầu tiên của Ayayi trên Xiaohongshu thu hút hơn ba triệu lượt xem, nhưng những nội dung hiện chỉ còn 100 lượt do bị chê là thiếu sáng tạo, thậm chí giả tạo.

Theo Aiaiai, một người yêu thích các thần tượng ảo và hiện sống tại tỉnh Chiết Giang, người ảo hiện chưa có nhiều cá tính. "Chúng sinh ra chỉ để kiếm tiền. Điểm khác biệt duy nhất so với thần tượng thông thường là chúng không xuất hiện ngoài đời thực", Aiaiai nói.

Bảo Lâm (theo SCMP)

Nhân viên ảo đang thay thế người thật Thuyết trình bằng công nghệ người ảo

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nguoi-ao-cuoc-choi-dot-tien-tai-trung-quoc-a30347.html