Không phải cung cấp internet đại trà cho người dân nội đô, đây mới là dụng ý của Elon Musk với Starlink

Trong bài đăng Twitter mới, ta thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh của Starlink - dịch vụ internet vệ tinh quỹ đạo thấp của Elon Musk.

Chúng ta có thói quen giơ điện thoại lên cao mỗi khi mất sóng. Hành động này có thể đưa điện thoại của bạn vào luồng sóng đang không bị chặn bởi những vật cản nằm ở tầm thấp, lấy lại kết nối cho thiết bị của bạn với cột sóng. Có điều, không phải đưa máy lên càng cao thì sóng sẽ càng mạnh ...

Có một nghịch lý như thế này: càng lên cao, sóng lại càng yếu. Lên tới lưng chừng núi, sóng của bạn yếu đi trông thấy. Và khi đặt chân lên máy bay, di chuyển ở độ cao hàng ngàn cây số so với mặt đất, sóng của bạn biến mất hoàn toàn. Có một ông tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi quyết thay đổi điều đó.

Trong bài đăng Twitter mới , Elon Musk tuyên bố đã đang đàm phán với các hãng hàng không về việc lắp đặt Starlink. Bằng vệ tinh phát internet từ quỹ đạo xuống, Starlink của SpaceX có thể biến bầu khí quyển của Trái Đất thành một vòm tín hiệu, đưa internet tới bất cứ thiết bị nào trên Trái Đất. Hay ít ra, ước mơ (vẫn còn xa vời) hiện tại là vậy.

Không phải cung cấp internet đại trà cho người dân nội đô, đây mới là dụng ý của Elon Musk với Starlink - Ảnh 1.

Elon Musk không nêu đích danh tên hãng hàng không đang cộng tác với dự án Starlink, nhưng có thể nhận định: hãng hàng không nào cũng sẽ hứng thú với dịch vụ này. Tuyên bố mới khớp với những gì ông Musk đã nói về Starlink trong quá khứ, là phát internet tới những phương tiện như xe tải đường dài, tàu đi trên ray hay thuyền ra khơi.

Dự án Starlink đang được triển khai thế nào?

Công nghệ internet vệ tinh không mới. Về cơ bản, dàn vệ tinh trên không của SpaceX sẽ nhận tín hiệu từ các trạm phát sóng trên Trái Đất, rồi truyền lại tín hiệu tới các thiết bị trên Trái Đất. Thay vì dùng đường cáp, SpaceX sẽ dùng chính không gian để truyền dữ liệu.

SpaceX có thể cải thiện công nghệ internet vệ tinh theo hai cách.

Dàn vệ tinh bay ở tầm thấp, chỉ khoảng 550 km so với mặt đất, sẽ cải thiện tốc độ nhận tín hiệu của thiết bị, miễn là khoảng không giữa người dùng và dàn vệ tinh không bị vật cản chắn sóng.

Bên cạnh đó, SpaceX dự định phóng lên không hàng ngàn vệ tinh để cải thiện độ phủ của dịch vụ; SpaceX dự kiến sẽ phóng tổng cộng 40.000 vệ tinh lên không. Tính tới tháng Tám năm nay, SpaceX đã đưa lên không tổng cộng 1.600 vệ tinh.

Không phải cung cấp internet đại trà cho người dân nội đô, đây mới là dụng ý của Elon Musk với Starlink - Ảnh 2.

Dàn vệ tinh của Starlink trên bầu trời đêm. Tuy ấn tượng, nhưng chúng gây ra không ít tranh cãi.

Lường trước những giới hạn

Theo báo cáo từ các nhà phân tích tài chính tại Cowen cho rằng với dàn vệ tinh gồm 12.000 thiết bị, Starlink vẫn không thể cạnh tranh được với các nhà mạng Mỹ hiện tại, khi chỉ có thể phục vụ được tối đa 485.000 khách hàng một lúc.

Bên cạnh đó, số người đăng ký sử dụng dịch vụ càng nhiều, tình trạng nghẽn mạng sẽ càng diễn ra thường xuyên hơn. Ngay trong thời điểm này, người dùng cũng đã phản ánh hiện tượng nghẽn mạng đã thỉnh thoảng diễn ra.

Tuy nhiên, phải xét tới kế hoạch của SpaceX: họ không tập trung vào phục vụ nhóm khách hàng sống tại nội thành, mà muốn đưa internet tới những vùng cao, vùng sâu thiếu thốn trạm phát sóng cũng như đường cáp truyền internet.

Không phải cung cấp internet đại trà cho người dân nội đô, đây mới là dụng ý của Elon Musk với Starlink - Ảnh 3.

Dàn vệ tinh Starlink trước khi lên không.

Bài đăng Twitter mới của Elon Musk còn nhắc chúng ta nhớ tới những vùng cao, vùng sâu khác, đó là trời cao và biển rộng. Nhận tín hiệu từ một dàn vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp, những con tàu ra khơi suốt nhiều ngày, hay những chuyến bay xuyên lục địa có thể kéo dài tới 24 tiếng sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với internet. Trong thời đại kết nối vạn vật và kết nối 24/7, việc duy trì kết nối quan trọng trong cả công việc và sinh hoạt.

Vẫn phải chờ xem khi SpaceX phóng thêm những vệ tinh Starlink lên không, chất lượng tín hiệu sẽ được cải thiện tới đâu. Cái giá của dịch vụ Starlink cũng không rẻ: 499 USD cho một bộ thiết bị nhận tín hiệu, 99 USD/tháng cho phí duy trì dịch vụ. Với mức giá không hề phải chăng, khách hàng sẽ mong đợi một dịch vụ internet ổn định.

Chúng ta cùng xem dàn vệ tinh Starlink của Elon Musk sẽ truyền tín hiệu ra sao tới những phương tiện di chuyển ở tốc độ cao như máy bay, và liệu đường truyền sẽ ổn định nhường nào.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/khong-phai-cung-cap-internet-dai-tra-cho-nguoi-dan-noi-do-day-moi-la-dung-y-cua-elon-musk-voi-starlink-a2934.html