Lý do nhiều người đeo AirPods nhưng chẳng nghe gì

Sự đa dụng của AirPods giúp thiết bị này không chỉ phục vụ nhu cầu nghe nhạc thông thường. Nó còn là nút bịt tai, máy trợ thính với nhiều người.

Chống ồn chủ động là tính năng có mặt trên AirPods Pro và nhiều mẫu tai nghe trên thị trường. Ảnh: The Verge.

Biên tập viên Dan Seifert của The Verge cho biết gần đây anh dùng chiếc tai nghe AirPods Pro của mình để "không nghe gì". Cụ thể, cách sử dụng dòng tai nghe không dây Apple hay các thiết bị đeo âm thanh khác của người dùng đã thay đổi so với giai đoạn trước.

Tai nghe ở 5-10 năm trước đơn thuần là thiết bị phát âm thanh cá nhân. Người dùng sử dụng sản phẩm này để nghe nhạc, phát podcast hoặc xem video trên điện thoại, máy tính khi ở nơi công cộng, cần sự riêng tư. “Khi dạo phố, tai nghe của tôi luôn có âm nhạc để bản thân giải trí lúc di chuyển”, Dan cho biết.

Hiện tại, nhiều người dùng sử dụng tai nghe, nhưng chẳng để nghe gì. Mẫu AirPods Pro giống như một chiếc mút cách âm, giúp hạn chế tiếng ồn nơi đông người như quán cà phê, bến tàu xe… Đôi khi, cách này còn hiệu quả khi khách hàng muốn đạt mức độ tập trung cao. Những loại tạp âm như tiếng quạt, máy lọc không khí, điều hòa được giảm thiểu đáng kể với tai nghe chống ồn.

tai nghe chong on anh 1

Bose, Apple, Sony đều có các mẫu tai nghe chống ồn nhỏ gọn. Ảnh: The Verge.

“Tôi thậm chí sẽ sử dụng AirPods khi đang đọc sách trong phòng khách để chẳng bị làm phiền bởi lũ trẻ phá phách xung quanh”, Dan Seifert nói về trải nghiệm của mình.

Người dùng đang tận dụng hiệu quả tính năng lọc, khử tiếng ồn môi trường trên các mẫu tai nghe không dây hoàn toàn (True-Wireless). Có những khách hàng còn chẳng mở nhạc hay podcast khi đeo thiết bị. Thứ họ cần đơn giản là sự yên tĩnh.

Cuộc sống hiện đại tạo nên những môi trường đô thị rất ồn ào. Quán cà phê, nhà hàng thường xuyên mở nhạc to. Bất kỳ ai sống trong một ngôi nhà có mặt tiền đường lớn cũng phải đối mặt với tiếng ồn, bất chấp các biện pháp hạn chế như phòng kín hay cửa cách âm.

Các loại tiếng ồn này khiến con người dễ bị phân tâm, giảm tập trung và gây nguy hại cho thính giác nếu tồn tại trong thời gian dài. Ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành một chủ đề được quan tâm. Apple đã thêm tính năng cảnh báo cho người dùng khi ở trong không gian có ngưỡng decibel (dB) cao kéo dài trên Apple Watch.

Thực tế, tính năng chống ồn trên tai nghe TWS không đủ hiệu quả để cắt đứt hoàn toàn âm thanh môi trường. Ví dụ, mẫu Galaxy Buds Pro có cảm giác đeo thoải mái, giúp hạn chế một chút âm thanh khó chịu xung quanh. AirPods Pro đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng chúng vẫn không phải lựa chọn tối ưu khi cần lọc tiếng ồn. Những mẫu over-ear lớn như AirPods Max, WH-1000x hiệu quả hơn cho những chuyến du lịch dài ngày, đi tàu xe, máy bay.

Tuy nhiên, các mẫu true-wireless thích hợp cho việc hạn chế âm thanh đến màng nhĩ. Nó giống như việc hạ mức tiếng ồn từ 11 còn mức 4-5. Việc lọc tiếng ồn của sản phẩm vừa đủ để nghe thấy khi có ai đó cố nói chuyện với người đeo. Nhưng khi họ trao đổi với ai khác, khách hàng sẽ không bị phân tâm.

“Tôi vẫn có thể nghe để biết chúng đang chơi, không bị thương hoặc cần người lớn. Chống ồn vừa đủ để tôi không phát cáu khi nghe đủ tiếng hét phát ra khắp nơi”, Dan chia sẻ.

Ngoài ra, việc có kích thước nhỏ gọn còn giúp các model TWS thuận tiện khi sử dụng hàng ngày, so với mẫu trùm đầu (over-ear). Chúng còn có thể được tháo ra nhanh để trao đổi và giúp nghe các nội dung người dùng thích. Đôi khi, tính năng khuếch đại âm thanh cũng có tác dụng như một chiếc máy trợ thính, phục vụ nhu cầu nhóm khách hàng có vấn đề ở tai.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ly-do-nhieu-nguoi-deo-airpods-nhung-chang-nghe-gi-a28752.html